Lựa chọn đúng nội dung để phát huy hiệu quả giám sát
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Văn Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần chọn đúng, trúng nội dung giám sát, phù hợp với thực tiễn của địa phương, kết hợp với triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát.
PV: Thưa ông, thời gian qua công tác giám sát đã được MTTQ tỉnh Hà Nam triển khai tại địa phương như thế nào?
Ông Trần Văn Thành: Từ khi Quyết định số 217 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 được ban hành và đi vào thực hiện, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được khẳng định về vị trí, vai trò quan trọng, góp phần thực hiện dân chủ. Thực tế những năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Hà Nam luôn chủ động chủ trì thực hiện tốt vai trò giám sát, phối hợp giám sát việc chấp hành và thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Qua nhiều năm thực hiện, MTTQ các cấp tỉnh Hà Nam đã tổ chức triển khai các hình thức giám sát được trên 6.000 cuộc, trong đó MTTQ các cấp chủ trì trên 1.100 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào giám sát thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, giám sát cải cách hành chính... Ngoài ra, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cũng được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, những nội dung phải thực hiện công khai để dân biết, dân bàn.
Trong quá trình triển khai giám sát, MTTQ các cấp tỉnh Hà Nam đã có những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
- Có thể nói các cuộc giám sát, các nội dung phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Hà Nam luôn được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành đánh giá cao, ngày càng có chất lượng giúp cho các cơ quan soạn thảo, cơ quan giám sát nhận thấy những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách. Cùng với thuận lợi trên, sự phối hợp của UBND tỉnh, các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam đối với hoạt động giám sát của MTTQ tỉnh cũng được chú trọng. Hàng năm, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông báo kế hoạch giám sát của MTTQ tỉnh, UBND tỉnh cũng ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các huyện, thành phố thực hiện nội dung giám sát của MTTQ và các đoàn thể.
Tuy nhiên, công tác giám sát của MTTQ các cấp trong tỉnh đang gặp một số khó khăn, hạn chế như lĩnh vực, phạm vi giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội rất rộng, mang tính nhân dân, song đội ngũ cán bộ ở nhiều nơi còn mỏng về lực lượng, năng lực, chuyên môn khó có thể am hiểu và nắm bắt tất cả mọi lĩnh vực. Đồng thời, chất lượng các kiến nghị giám sát của MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở còn chưa sâu, chưa chỉ rõ được các hạn chế, thiếu sót đối với các cơ quan, tổ chức là đối tượng giám sát.
Từ thực trạng nêu trên, ông có kiến nghị gì nhằm đổi mới nội dung và phương thức giám sát của MTTQ các cấp tỉnh Hà Nam để công tác này đạt được hiệu quả tốt nhất trong thời gian tới?
- Hiện nay các cơ chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương về hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tương đối hoàn thiện, vì vậy vấn đề quan trọng nhất là cần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban MTTQ, Ban Chấp hành của các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ trực tiếp làm công tác giám sát, theo hướng đảm bảo về số lượng, chất lượng, từ đó góp phần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, mở rộng mạng lưới, tạo điều kiện để MTTQ cùng các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân. Thường xuyên tổ chức, bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi học tập kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay, sáng tạo về hoạt động giám sát để nâng cao năng lực giám sát của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.
Hiện quy trình giám sát được MTTQ các cấp tỉnh thực hiện rất tốt, trong thời gian tới nội dung giám sát cần được quan tâm và chú trọng hơn nữa. Dựa theo tình hình thực tế ở địa phương, cùng với hướng dẫn của Trung ương, MTTQ tỉnh Hà Nam sẽ lựa chọn những nội dung giám sát từ những tiêu chí liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tập trung vào vấn đề nổi cộm được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, mang tính ảnh hưởng lớn. MTTQ các cấp cần nắm bắt tình hình nhân dân kịp thời để định hướng xây dựng, lựa chọn nội dung giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm, làm sao để sản phẩm từ giám sát phải là những kiến nghị thiết thực, chất lượng, đồng thời cần chú trọng theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của đối tượng giám sát.
Trân trọng cảm ơn ông!