Một hay nhiều bộ sách giáo khoa?
Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn tuy nhiên làm sao để việc lựa chọn sách công khai, minh bạch vẫn còn nhiều băn khoăn.
Trao quyền lựa chọn sách cho nhà trường
Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên. Dự kiến dự thảo sẽ nhận góp ý đến ngày 20/12/2023.
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là các quy định hướng tới tăng cường vai trò của cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa.
Cụ thể, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập. Mỗi cơ sở thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.
Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu trường danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu.
Sở GDĐT thẩm định hồ sơ các đơn vị và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Như vậy, kết quả lựa chọn của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhà trường mang tính chất quyết định.
Quy định mới tại dự thảo này đang nhận được nhiều sự đồng tình. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định, việc Bộ GDĐT dự kiến trao quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường là sự tiếp thu, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ đội ngũ nhà giáo.
Thầy Bình cho rằng, việc giao quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường là phù hợp vì mỗi trường có điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, năng lực học sinh khác nhau. Giáo viên, nhà trường phải căn cứ trên các điều kiện thực tiễn đó để chọn bộ sách phù hợp. Đồng thời, cũng giúp nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở đào tạo, cho các giáo viên.
Trong dự thảo lần này, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa không chỉ có người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên mà còn có cả ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ủng hộ chủ trương mới, chị Nguyễn Thúy Quỳnh (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, sự tham gia của phụ huynh học sinh sẽ tăng tính dân chủ, minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa.
Có cần thiết một bộ sách giáo khoa của Nhà nước?
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021. Điểm khác biệt lớn nhất của đổi mới sách giáo khoa lần này chính là việc sách giáo khoa được biên soạn xuất bản theo chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa. Đây được đánh giá là chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên làm sao để việc lựa chọn sách công khai, minh bạch vẫn còn nhiều băn khoăn. Nhìn lại thời gian thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã có những thay đổi về việc lựa chọn sách giáo khoa.
Đánh giá về những điều chỉnh này, có ý kiến cho rằng, cải cách chương trình hiện nay còn lộn xộn trong việc lựa chọn sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường và cả nước nên thống nhất một bộ sách giáo khoa chung.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Từ kết quả giám sát, đoàn kiến nghị, nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GDĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Tuy nhiên, kiến nghị này cũng đang dấy lên nhiều tranh cãi.
Tại phiên họp tổ ngày 24/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu Quốc hội yêu cầu Bộ GDĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa thì điều đó vừa gây lãng phí vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm sách giáo khoa cũng phải trên 1.200 tỷ đồng. Trước tình hình này, bà Thúy đặt câu hỏi: “Có cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không? Việc ra đời một bộ sách giáo khoa của Bộ có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xoá bỏ xã hội hoá”.
Theo bà Thúy, vào thời điểm này, việc quyết định giao cho Bộ GDĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi này. Vì vậy, bà Thúy đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ GDĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định.
“Cái mới luôn là cái khó, ý kiến trái chiều không tránh khỏi. Nên chăng để thực hiện hết 1 chu kỳ (sau năm học 2024-2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông. Lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn”, bà Thúy nêu.