Mù Cang Chải - nỗi nhớ xa xôi
Hàng chục năm về trước, khi bạn tôi ngồi giữa đêm Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) không sóng điện thoại, không internet, lọ mọ bật laptop viết tản văn về một nỗi nhớ mịt mùng xa, rồi đem về Hà Nội đăng lên báo, Mù Cang Chải là cái tên lập tức gây ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tới mức khi lần này, vào lúc 5-6 giờ chiều vượt đỉnh đèo Khau Phạ, trong mù sương, bỗng thấy nguyên cảm giác về một nỗi nhớ mịt mùng xa. Trong khi thực ra, so với 10 năm trước, Mù Cang Chải đã gần hơn; đã rộn ràng resort, homestay...
Nhưng vì sao khi nhắc đến vùng đất ấy, nghe vẫn xa xôi. Có lẽ bắt đầu từ cái tên, những là đèo Khau Phạ, những là Mù Cang Chải, là La Pán Tẩn... Dọc đường, một vài phóng viên đặt câu hỏi về xuất xứ những cái tên đầy sức gợi ấy. Nhưng khi đứng giữa đất trời Mù Cang Chải, thì thấy không cần hỏi thêm nữa, ngập tràn một cảm giác rất thật là mình ngợp thở giữa mênh mông trời đất.
Trên dọc đường từ Nghĩa Lộ lên, bắt gặp một vài cái resort ẩn hiện giữa đất trời, đã thấy vóc dáng của một nàng công chúa thức dậy, sau giấc ngủ quá dài. Nhưng khi đứng giữa đỉnh đồi La Pán Tẩn, thì chỉ còn một câu hỏi duy nhất, còn lại: Đẹp đến thế này sao Mù Cang Chải có thể vẫn cam tâm là một trong những huyện nghèo nhất nước được?
Có lẽ một mình Mù Cang Chải không trả lời được, cho đến khi nào đường cao tốc được làm xong, nối thẳng về đây, để quãng thời gian vượt đèo Khau Phạ không còn là trở ngại. Mù Cang Chải khi ấy vẫn là nỗi nhớ, nhưng không mịt mùng xa. Để rồi trong buổi làm việc, nghe lãnh đạo huyện nói, mới vỡ ra rằng, Mù Cang Chải hoàn toàn có thể phát triển nóng, bước những bước đi nhanh hơn, nhưng họ đã không chọn cách đấy.
Đã và đang có nhiều nhà đầu tư muốn vào đây, nhưng Mù Cang Chải không nôn nóng vồ vập. Bởi vì đã có những bài học của nhiều huyện miền núi phát triển du lịch đi trước cho thấy phát triển nóng vội sẽ phải trả giá rất đắt.
Thiên nhiên ban tặng cho Mù Cang Chải một cảnh sắc và khí hậu tuyệt vời. Dư địa phát triển du lịch, nông nghiệp còn lớn lắm. Không xa nữa Mù Cang Chải sẽ ra khỏi danh sách những huyện nghèo nhất nước, bằng những bước đi bền vững, vừa phát triển vừa giữ gìn cho tương lai.
Năm 2022, Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải đã được phê duyệt. Hiếm có nơi nào, cẩn trọng xây dựng một đồ án Quy hoạch vùng cho một huyện miền núi như nơi này, cẩn trọng tham vấn các chuyên gia nước ngoài trong xây dựng Đồ án.
Vẫn là một trong những huyện nghèo nhất nước, nhưng Mù Cang Chải bình tĩnh xây dựng một lộ trình, một bước đi dài hơi, tầm nhìn đến năm 2050 trong Đồ án Quy hoạch mà tất cả gói gọn trong chiến lược: Phát triển bền vững.
3 trụ cột về phát triển bền vững được xác định trong Đồ án gồm phát triển kinh tế hài hòa, giữ gìn cho tương lai và thúc đẩy cân bằng xã hội. Cùng với đó là 36 phương hướng cấu trúc thúc đẩy phát triển địa phương, nổi bật trong đó có những hướng đi như du lịch khinh khí cầu, du lịch mạo hiểm, trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật hay phát triển phong điện, thủy điện. “Đồ án được phê duyệt là cơ sở để định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu Mù Cang Chải, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, đô thị và du lịch trên địa bàn huyện”- Phó Bí thư Huyện ủy Giàng A Vừ cho biết.
Đứng trên đồi Mâm Xôi nằm trên địa bàn xã La Pán Tẩn, người ta sẽ nhận ra sự nhỏ bé của con người trước đất trời. Một không gian bát ngát vô tận rực rỡ nắng, rực rỡ lúa chín, rực rỡ ruộng bậc thang, rực rỡ mây trời.
Đẹp đến nhường ấy không thể cam tâm là một trong những huyện nghèo nhất nước. Nhưng phát triển mà “gìn giữ cho tương lai” thì trước khi đến tận đây trực tiếp nghe lãnh đạo huyện khẳng định, không thể hình dung ở huyện miền núi xa xôi chỉ mong dân được thoát nghèo, lại có một tầm nhìn khác biệt đến vậy.
Thực sự khi nghe thuyết minh Đồ án Quy hoạch vùng, cái mệnh đề “gìn giữ cho tương lai” được chọn làm 1 trong 3 trụ cột, cùng với phát triển kinh tế hài hòa và thúc đẩy cân bằng xã hội, khiến người ta thực sự cảm động. Nếu nhìn một vài nơi đã bị “băm nát” vì phát triển không theo một quy hoạch tổng thể thì mới thấy thật quý khi Mù Cang Chải đã có một Đồ án Quy hoạch đâu ra đấy.
Thiên nhiên ban tặng cho Mù Cang Chải cảnh sắc và khí hậu tuyệt vời. Dư địa phát triển du lịch, nông nghiệp còn lớn lắm. Không xa nữa Mù Cang Chải sẽ ra khỏi danh sách những huyện nghèo nhất nước, bằng những bước đi bền vững, vừa phát triển vừa giữ gìn cho tương lai.
Nếu cần có một trải nghiệm để hình dung đất nước đẹp và hùng vĩ thế nào, thì đó chính là điều ta bắt gặp ở Mù Cang Chải. Thiên nhiên rộng lớn tới mức những mái nhà Mông bên sườn đồi rất bé, những nếp váy Mông thoắt ẩn thoắt hiện cũng bé nhỏ. Nhưng mà khi đêm buông xuống ở La Pán Tẩn, thì mỗi ngôi nhà người Mông giống như một ngôi sao, để khi đứng ở dưới ngước lên, như thấy những vì sao lấp lánh trong đêm.
Bạn có hình dung để đi đến được một homestay ở La Pán Tẩn, người ta phải đi bộ lên con dốc cheo leo vừa một người đi. Nhưng một khi đã leo hết con dốc đứng ấy, thì bạn sẽ có một đêm thực sự hòa vào đất trời, nâng chén rượu mời nhau, nghe tiếng khèn Mông giữa tiếng hát của những chàng trai cô gái Mông nửa bạo dạn nửa thẹn thùng. Càng về đêm, sương xuống, lửa càng bén, rượu càng nồng...
Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ huyện Mù Cang Chải còn rất trẻ - Hảng A Ký hát tặng nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết và chúng tôi nghe câu hát: “Trai rừng như cây thông mọc thẳng/ Nói lời yêu cũng thẳng/ Tao thích mày/ Trai rừng dám cầm tay/ Dám bẹo má người yêu giữa chợ/ Tao thích mày…”.
Lời hát quá hay. Buổi tối, bên đống lửa, trên cái chấm nhỏ nhoi của homestay ở La Pán Tẩn, chúng tôi uống rượu và nghe câu hát “nói lời yêu cũng thẳng”. Có lẽ, đất trời này, không gian này, sự hùng vĩ và khoáng đạt này, khiến người ta không thể không "nói lời yêu cũng thẳng".
Bao nhiêu lời được nói ra đêm ấy trên đỉnh núi La Pán Tẩn có thể rồi sẽ ở lại cùng đất trời Mù Cang Chải. Nhưng ít nhất là ở đấy, người ta đã dám nói ra: "Tao thích mày", để mai về xuôi, có thể quên lời đã nói, nhưng Mù Cang Chải vẫn luôn là một nỗi nhớ xa xôi.
Lúc xuống núi, đèo Khau Phạ vào giữa trưa không còn mịt mù sương, mà trong văn vắt, rực rỡ nắng, rực rỡ khinh khí cầu bay lượn.
Bỗng nhớ vòng váy thêu xanh thêu trắng nhún nhảy nở xòe theo bước chân của Mỷ, của Ly trên con dốc cheo leo dựng đứng để lên đồi La Pán Tẩn. Nơi chỉ có núi và núi hùng vĩ nối tiếp nhau, ruộng bậc thang đẹp hơn mọi bức tranh, mùa lúa chín vàng và trời xanh thăm thẳm.