Tranh Việt lan tỏa từ triển lãm ảo

PHƯƠNG MAI 09/11/2023 07:58

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa ra mắt “Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến”. Đây là không gian trưng bày ảo đầu tiên có thể giúp các nghệ sĩ vừa giới thiệu, quảng bá, lưu giữ tác phẩm của mình, vừa có thể giao lưu, kết nối, tăng cơ hội gặp gỡ công chúng yêu nghệ thuật và các nhà sưu tầm trong nước, quốc tế…

Không gian Triển lãm trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đổi mới ấn tượng

Với xu hướng số hóa, thời gian qua những triển lãm ảo ra mắt đã góp phần rút ngắn khoảng cách đưa các giá trị mỹ thuật tới công chúng. Mới đây Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến - Virtual Art Exhibition Space (VAES) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu là không gian trưng bày ảo đầu tiên của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội cho các tác giả giới thiệu, quảng bá tác phẩm và công chúng thưởng thức nghệ thuật.

Bước vào “bảo tàng ảo”, công chúng chỉ việc quét mã QR hoặc truy cập đường link https://vnfam.trienlamao.net. Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến phiên bản đầu tiên giới thiệu 10 triển lãm, trong đó có 7 triển lãm trưng bày các tác phẩm thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và 3 triển lãm của cá nhân họa sĩ. 10 không gian triển lãm trên được thiết kế và mô phỏng khác nhau, dựa trên các mô hình triển lãm ở các bảo tàng lớn trên thế giới.

Dù mới là những bước khởi đầu, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cùng với trưng bày ảo khá bài bản lần này, kết hợp hệ thống các sàn đấu giá, bảo tàng tư nhân... sẽ kết nối tạo môi trường mỹ thuật hấp dẫn hơn với công chúng, làm cho mỹ thuật không những có tiếng vang, đứng vững ở thị trường Việt Nam mà còn lan tỏa ra quốc tế.

“Nền tảng triển lãm trực tuyến này là sự đổi mới ấn tượng, góp phần gia tăng cơ hội cho các họa sĩ Việt Nam giới thiệu những tác phẩm của mình tới công chúng quốc tế, cũng như cho thế giới thấy được nền mỹ thuật phát triển mạnh mẽ đầy sức sống tại Việt Nam”, họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định.

Dịp này, họa sĩ Trần Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM bày tỏ: Việc triển khai tổ chức triển lãm trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có ý nghĩa lớn trong tiếp cận hoạt động mới trong thời đại 4.0. Hiệu quả mang lại sự tiện lợi và tiếp cận rộng rãi bởi triển lãm số cho phép bảo tàng tiếp cận một lượng lớn người xem trên khắp thế giới.

Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và khám phá nghệ thuật và văn hóa của Việt Nam mà không cần đến địa điểm thật sự. Bên cạnh đó các triển lãm số có thể được sử dụng để giáo dục và tạo cơ hội học hỏi. Chúng có thể cung cấp thông tin về lịch sử, nghệ thuật, và văn hóa, giúp mọi người hiểu rõ hơn về di sản Việt Nam.

Về khía cạnh bảo vệ và bảo tồn, các triển lãm số có thể giúp bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật và di sản văn hóa bằng cách cho phép người xem khám phá chúng mà không cần tiếp xúc vật lý, giảm nguy cơ hỏng hóc. “Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến mới ra mắt của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đáp ứng được nhu cầu thực tế cũng như phát huy được hiệu quả hơn các bộ sưu tập của các tổ chức cá nhân, quảng bá rộng rãi tới công chúng trong và ngoài nước”, ông Trần Thanh Bình kỳ vọng.

Trải nghiệm “bảo tàng ảo”, anh Nguyễn Minh Long (quận Ba Đình, Hà Nội) mô tả: Tại không gian này, tôi đã có hành trình tham quan giống như thật với các bước di chuyển trong không gian ảo, đến các phòng triển lãm, tìm vị trí tác phẩm, xem tác phẩm và giới thiệu chi tiết từng tác phẩm theo chỉ dẫn. Không gian ảo nhưng mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho người xem nhờ các tính năng như điều khiển góc nhìn, phóng to, tương tác 3D. Đặc biệt, mỗi bức tranh tại triển lãm như một câu chuyện ấn tượng…

Ngay sau sự kiện ra mắt VAES, ngày 20/10, tại TP Huế (Thừa Thiên Huế), Không gian trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab được đầu tư gần 30 tỷ đồng cũng diễn ra triển lãm đầu tiên với sự tham gia của 20 nghệ sĩ. Điều đó càng khẳng định sự sức hấp dẫn từ những triển lãm ảo. Quả thực, Sốnglab đang thu hút công chúng tới trải nghiệm với không gian rộng 1.000 m2 gồm 5 khu vực tương ứng 5 công nghệ trình chiếu khác nhau: Khu đầu tiên gồm các màn hình LCD dạng nhỏ phù hợp cho tác phẩm có kích cỡ nhỏ, độ phân giải cao. 8 bức đồ họa 3D chủ đề “Đâm chồi nảy lộc” được trình chiếu kèm âm thanh sinh động.

Tác giả Nguyễn Ngọc Quý tạo ra các cây hoa kỹ thuật số từ chất liệu ở Huế như: lụa, gốm, trúc chỉ. Tác phẩm “Phản chiếu” của tác giả MxC, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp siêu thực của vịnh Lăng Cô, tái diễn lại khoảnh khắc đường chân trời hiện lên trong ánh hoàng hôn, xóa nhòa ranh giới của bầu trời và mặt nước. Những hiệu ứng ánh sáng đi theo bước chân, hay thiên nhiên thay đổi rực rỡ sau từng cái chạm tay vào tường, là những phương tiện dẫn dắt người xem bước vào không gian thực tế ảo độc đáo, đồng thời cũng là cách tôn vinh những kiến tạo của tự nhiên…

Khu vực thứ 2 chuyên trưng bày những tác phẩm kết hợp trình chiếu điện tử và nghệ thuật khác như sắp đặt hoặc điêu khắc. Tác phẩm “Hồng sắc long” của tác giả Jiohan - thuộc thế hệ Z là cách cô đối thoại với nền văn hóa hàng nghìn năm. Khu vực thứ 3 - phòng nhập vai với diện tích 500 m2, trần cao 7 m và công nghệ phù hợp cho khán giả có thể bước vào tác phẩm. Các tác phẩm được trình chiếu gồm: “Mọi miền tiềm thức” (Cường Nguyễn), “Một trăm” (Cao Hoàng Long) và “Như một dòng chảy” (Lê Minh Viễn, Travis Cohantz) lần lượt đưa người xem vào không gian siêu thực, tái hiện cảnh sắc Huế và câu chuyện mẹ Âu Cơ sinh trăm con từ bọc trứng bằng công nghệ trong môi trường đồ họa lập thể. Khu vực thứ 4 - phòng tương tác lắp hệ thống cảm biến di chuyển để các nghệ sĩ trình diễn tác phẩm tương tác. Không gian nghệ thuật kỹ thuật số này không đòi hỏi người trải nghiệm phải hiểu nghệ thuật đương đại. Bất cứ ai cũng có thể thụ hưởng nhu cầu khác nhau từ công nghệ, giải trí, giáo dục đến văn hóa, nghệ thuật.

Công chúng có thể tương tác và tham gia trong quá trình tìm hiểu về tác phẩm bằng cách gửi phản hồi, chia sẻ ý kiến với nghệ sĩ và cộng đồng nghệ thuật.

Hướng tới sự chuyên nghiệp

Là người sưu tập tranh và từng đặt chân tới nhiều quốc gia, trải nghiệm các trưng bày ảo trên thế giới, nghe thông tin triển lãm ảo tại Không gian nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab, anh Trần Trọng Dương (TPHCM) đã tới tham quan nhân chuyến du lịch tới TP Huế. Anh chia sẻ rất mừng vì khách quốc tế cũng thích thú trải nghiệm “nhập vai” khi đến với Sốnglab. Có thể thấy công nghệ số đang hướng thị trường mỹ thuật Việt tới tính chuyên nghiệp.

Dịp này anh Dương kể câu chuyện gần đây anh được trải nghiệm nhập vai tại một triển lãm tranh của Van Gogh tại London (Anh). Triển lãm “vô thực” Van Gogh-The Immersive Experience đã và đang được lưu diễn tại 31 thành phố từ năm 2017 đến nay, cùng hơn 6 triệu lượt khách tham quan. Van Gogh Expo giúp công chúng và những người hâm mộ danh họa thiên tài người Hà Lan Vincent Van Gogh (1853-1890) có thể đặt chân vào thế giới tâm tưởng của ông. Triển lãm "vô thực" và độc đáo này phần nào định hình lại khái niệm về bảo tàng, thông qua cách kể chuyện, sắp đặt đầy tinh tế cùng công nghệ tiên tiến qua màn trình diễn kỹ thuật số 360 độ và thực tế ảo.

Với mức vé 25 bảng Anh (gần 750.000 đồng), công chúng sẽ được đắm chìm trong một không gian nghệ thuật độc đáo với âm thanh và ánh sáng làm nổi bật lên những tác phẩm tuyệt vời của Van Gogh. Từ đó anh Dương cho rằng: Ở Việt Nam không gian mỹ thuật ảo cũng đang dần phát triển, bước đầu trưng bày, giới thiệu, quảng bá phục vụ nhu cầu công chúng, lưu giữ tác phẩm mỹ thuật, tạo ra một sân chơi mới cho các nghệ sĩ. Mặt khác qua không gian trưng bày ảo các nghệ sĩ và khách hàng có thể gặp gỡ, giới thiệu và giao dịch về các tác phẩm mỹ thuật, từ đó quảng báo thị trường mỹ thuật với thế giới.

Trước đó, nhiều bảo tàng trong nước đã giới thiệu đến công chúng những triển lãm ảo, các phòng trưng bày trực tuyến dựa trên các bộ sưu tập sẵn có tại bảo tàng. Như "tour" tham quan 360 độ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng ứng dụng nhiều loại công nghệ trong các hoạt động trưng bày, giáo dục, như công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu, trưng bày 3 chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam và Linh vật Việt Nam. Riêng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2021 đến nay cũng có rất nhiều đổi mới trong công tác số hóa, trong đó có công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của bảo tàng (vnfam.vn) đã góp phần làm mới bảo tàng, giúp cho không gian bảo tàng trở nên sống động hơn.

Hướng dẫn công chúng tương tác với bảo tàng ảo.

Tạo cơ hội để mỹ thuật vươn xa

Đặc biệt, từ những triển lãm ảo của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giới họa sĩ kỳ vọng sẽ giới thiệu các tác phẩm của mình đến với công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế. Góp mặt trong VAES của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Đặng Việt Cường cho rằng: Mô hình này mang lại cho các họa sĩ một không gian mới, một cách thức mới trong việc lưu giữ, giới thiệu tác phẩm.

Cùng với đó mô hình tạo thêm động lực để các họa sĩ tiếp tục sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, tăng thêm cơ hội kết nối, gặp gỡ, giao lưu, tương tác giữa các họa sĩ với nhau và giữa họa sĩ với công chúng, nhà sưu tầm trong nước, quốc tế. Nhờ tính ưu việt, sự đa dạng hóa thiết kế không gian, tạo lập các không gian thiết kế linh hoạt, không gian trưng bày nghệ thuật trên nền tảng số đã góp phần phản ánh bản sắc riêng có của từng triển lãm và phong cách, xu hướng sáng tác của cá nhân nghệ sĩ. Mô hình triển lãm kỹ thuật số tạo thêm cơ hội để họa sĩ và tác phẩm của mình được giới thiệu, khẳng định giá trị trên thị trường quốc tế.

Nhìn ra thế giới, ví dụ Fine Art America là thị trường nghệ thuật trực tuyến lớn nhất thế giới đã giúp các nghệ sĩ bán tác phẩm nghệ thuật cùng các sản phẩm khác kể từ năm 2006 và là “ngôi nhà” của hàng trăm nghìn nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế đồ họa, họa sĩ minh họa và các thương hiệu toàn cầu.

Ngoài việc cung cấp thị trường trực tuyến, Fine Art America còn cung cấp cho các nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia các công cụ tiếp thị và bán hàng để giúp đơn giản hóa và đẩy nhanh sự nghiệp của họ. Những công cụ này cho phép các nghệ sĩ thiết lập cửa hàng, phòng trưng bày trực tuyến có thương hiệu, bán bản in thông qua Shopify, tạo bản tin điện tử...

Hay đại diện cho hơn 222.000 nghệ sĩ, ArtPal là một thư viện trực tuyến độc đáo miễn phí 100%. Thư viện này cũng có nguồn tài nguyên khổng lồ dành cho các nghệ sĩ để giúp họ tiếp thị tác phẩm nghệ thuật của mình, định giá các mặt hàng một cách chính xác và đặt ra các mục tiêu có thể đạt được cho sự nghiệp của họ. Nghệ sĩ chỉ mất vài phút để thiết lập một phòng trưng bày trực tuyến miễn phí, biến ArtPal trở thành một cửa ngõ tuyệt vời để bán tác phẩm nghệ thuật trực tuyến.

Bởi vậy, với nền tảng VAES công chúng và nhà nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận tác phẩm, xem xét, nghiên cứu về nền mỹ thuật của Việt Nam thuận lợi hơn. Thực tế, lâu nay thông tin về sáng tác mới của các họa sĩ ít khi được biết đến rộng rãi bởi thiếu vắng những kênh quảng bá hiệu quả.

Đáng lưu ý, thiếu thông tin, chưa nhiều kênh quảng bá là một trong những lý do khiến tranh Việt bị sao chép rất nhiều, đặc biệt là những bức tranh có giá trị cao. Còn nhớ năm 2019, nhà đấu giá Sotheby’s đưa tác phẩm “Hai cô gái trước bình phong” của họa sĩ Trần Văn Cẩn và “Bức thư” của họa sĩ Tô Ngọc Vân lên sàn đấu giá trong khi bản gốc đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hay bức “Nhà tranh gốc mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng bị làm nhái để đưa lên sàn đấu giá vào năm 2021.

Như vậy, việc đưa những tác phẩm nổi tiếng của các danh họa trước đây và những tác phẩm đương đại lên không gian trưng bày trực tuyến uy tín, đảm bảo chất lượng vừa là cách giới thiệu tác phẩm một cách hiệu quả, vừa là sự khẳng định về bản quyền trong mỹ thuật. Tuy nhiên khi tự đưa tác phẩm lên mạng xã hội, nghệ sĩ lại đối mặt với nguy cơ bị sao chép tác phẩm. Do đó cùng với việc phát triển các không gian triển lãm ảo, giới chuyên gia cũng khuyến cáo việc xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, việc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật trong không gian của các triển lãm trực tuyến cũng phải đối mặt với một số vấn đề pháp lý liên quan đến bản quyền, bảo vệ dữ liệu... Vì thế, bên cạnh chuẩn bị nền tảng về cơ sở vật chất, con người, cần một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để sự ra đời các triển lãm mỹ thuật trực tuyến đáp ứng tốt nhất yêu cầu giáo dục, giải trí và thưởng thức ngày càng cao của công chúng.

Những triển lãm ảo đang sôi động với kỳ vọng tranh Việt đương đại vươn xa, nói như họa sĩ Đào Hải Phong, những triển lãm trực tuyến này là cơ hội rất tốt để đưa văn hóa Việt, nghệ thuật Việt, đưa những cá nhân nghệ sĩ đã được nằm trong bảo tàng giới thiệu đến với công chúng trên thế giới. Đây là niềm tự hào, may mắn, là cơ hội để những người quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam có điều kiện tìm hiểu về nền văn hóa, nghệ thuật của một nước nhỏ nhưng có một bản sắc vô cùng đặc biệt.

NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam: Triển lãm ảo, bước khởi đầu cho thị trường tranh

Bảo tàng số, trưng bày ảo còn mới mẻ, nhưng tôi cũng như các họa sĩ khác đều mong muốn tác phẩm nghệ thuật của mình phải đến được với công chúng. Tất cả các họa sĩ đều có nhu cầu giới thiệu tác phẩm của mình và trưng bày ảo là một kênh rất mới, giúp công chúng yêu nghệ thuật tương tác với nghệ sĩ, với tác phẩm một cách dễ dàng. Trước mắt, công nghệ này sẽ giúp địa chỉ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được nhiều người biết đến hơn, dễ dàng tiếp cận hơn. Điều này rất đáng quý bởi đây là địa chỉ đã lưu giữ rất nhiều tác phẩm tốt cho Nhà nước, những tác phẩm có thể nói là tiêu biểu cho lịch sử mỹ thuật Việt Nam ở nhiều thời kỳ.

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật, đòi hỏi đầu tiên là làm thế nào xây dựng các thiết chế để có được thị trường mỹ thuật lành mạnh. Tôi cho rằng bảo tàng ảo là bước khởi đầu cho thị trường tranh chuyên nghiệp tại Việt Nam. Đây là cơ hội và tôi mong các công ty công nghệ sẽ kết hợp chặt chẽ với người nghệ sĩ, để làm thế nào nâng cao giá trị nghệ thuật của các triển lãm ảo, bên cạnh đó, cách tiếp cận phải thuận tiện, gần gũi, dễ dàng với công chúng. Chất lượng của tác phẩm được số hóa càng sát với chất lượng bản gốc càng tốt, nó sẽ giúp cảm nhận của công chúng chân thực hơn, giúp các nhà sưu tầm có đánh giá đúng về tác phẩm. Điều đó rất quan trọng và có tính quyết định với thành công của một triển lãm, bảo tàng ảo.

TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Quảng bá nền mỹ thuật Việt Nam ra thế giới

Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (VAES) ra mắt vừa có thể giúp các nghệ sĩ giới thiệu, quảng bá, lưu giữ tác phẩm của mình, vừa có thể giao lưu, kết nối, tăng cơ hội gặp gỡ công chúng yêu nghệ thuật và các nhà sưu tầm trong nước và quốc tế.

Cụ thể, không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến được xây dựng với hai hạng mục lớn gồm: Kiến trúc tòa hình hoa sen cách điệu từ hoa sen trong mỹ thuật cổ, mô phỏng không gian vật lý sang trọng, bề thế, giàu tính nghệ thuật và hạng mục các không gian triển lãm số bên trong, được xây dựng với lộ trình và thiết kế phù hợp với từng nội dung trưng bày. Không gian số này được dựng 3D mô phỏng không gian thực tế. Ở đó, người nghệ sĩ có thể tìm cho mình cách trưng bày các tác phẩm phù hợp với nhu cầu, tính sáng tạo. Công chúng tiếp cận với các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới chỉ với thiết bị kết nối internet.

Không gian triển lãm trực tuyến là bước đi đầu tiên, mạnh mẽ, sáng tạo của bảo tàng nhằm giới thiệu di sản mỹ thuật và sức sống mới của nền mỹ thuật nước nhà đến với đông đảo công chúng toàn cầu, với mong muốn xóa đi giới hạn về khoảng cách kết nối không gian. VAES còn là nơi chia sẻ thông tin về các tác phẩm giá trị đang được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật và sức sáng tạo không ngừng của đội ngũ họa sĩ đương đại. Tôi cho rằng, sẽ thật là khiếm khuyết nếu chúng ta không giới thiệu được với quốc tế về sức sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc Việt Nam. Trước đó, chúng tôi đã thử nghiệm công nghệ trình chiếu 3D Mapping vào các triển lãm giúp cho không gian bảo tàng trở nên sống động hơn, công chúng đã có những phản hồi tích cực, đặc biệt là các bạn trẻ. Đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng là phương châm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

PHƯƠNG MAI