Vẻ đẹp của hương ước
Hương ước là một công cụ và phương thức quản lý trong xã hội truyền thống. Dù xã hội đã có những biến động, lệ làng cũng có sự thay đổi, song ở nhiều nơi vẫn giữ được những bản hương ước, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa. Nhiều điều lệ trong hương ước được điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Bảo vệ giá trị làng
Làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có nhiều di tích cổ, còn giữ được những nét quê thuần Việt, bình dị mà thân thương. Du khách thập phương đến đây hào hứng chụp ảnh bên khu chợ cổ, dưới nếp làng rêu phong và cây cầu đá bắc qua sông Nguyệt Đức tuyệt đẹp. Điều đáng nói, làng Nôm còn giữ được những quy định rất đáng học tập. Trong cuốn “Đại Đồng tổng tục sự” viết về làng Nôm có phần hương ước, gồm 50 điều. Những điều không phù hợp với cuộc sống hiện đại đã được người dân điều chỉnh, bỏ bớt.
Ông Phùng Nghiệp - Hội trưởng Hội Sóc vọng (gồm những lão niên có uy tín, tuổi từ 55 trở lên tham gia việc cúng tế, cho hay: Nhờ hương ước quy định rõ ràng, với ý thức tôn trọng cao từ phía người dân nên làng Nôm đã gìn giữ được hệ thống di tích dày đặc, cảnh quan tự nhiên đẹp mà hiếm vùng quê nào có được.
Nhìn trên bản đồ và sự phân tích của ông Nghiệp, làng Nôm có hình thuyền, chiếc hồ lớn ở giữa làng là lòng thuyền, cư dân sống chung quanh. Quanh hồ, con đường lát gạch nghiêng luôn được dọn dẹp sạch sẽ để mùa nào quang cảnh cũng thoáng đãng, sạch đẹp.
Cũng phải nói rằng, trong đời sống hiện đại, làng Nôm đã cải tiến rất nhiều phong tục rườm rà về cưới hỏi, ma chay, ruộng đất. Ví dụ về việc cưới, đối với nhà trai đây là dịp phô trương sự giàu có, một mâm làm nhiều món, có tới 12 bát và 12 đĩa, nay đã giảm đi chỉ còn 2 bát, 6 đĩa. Việc mời trong làng mỗi khi con cái dựng vợ gả chồng, ngày xưa phải mời đi mời lại 4 lần, nếu vô tình quên chỉ mời 3 lần thì người được mời sẽ không đến tham dự.
Nay tục lệ này rút xuống còn 2 lần. Hay như chuyện con gái lấy chồng ngoài làng, thì trong lễ dạm ngõ, nhà trai phải dẫn cưới, nhà gái chuẩn bị quà biếu để thưa với cả làng là cháu gái đã có nơi có chốn. Gia đình nhà gái phải mang chia lễ từng nhà (gồm một ấm trà, một quả cau, một gói bánh kẹo). Cụ Phùng Nhượng, chia sẻ: “Nay tục lệ này vẫn còn, được người dân ủng hộ và theo chúng tôi là rất đẹp để giữ lễ nghĩa, thể hiện tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên đối với nhà kinh tế kém, thì gói bánh kẹo sẽ thay bằng 6 hạt sen”.
Trong quy ước bảo vệ cảnh quan xóm làng trước đô thị hóa ở làng Nôm mà nhiều nơi không làm được, ông Phùng Nghiệp nhấn mạnh cái độc đáo của làng là ý thức tôn trọng môi trường sống và những di sản tổ tiên để lại. Bởi vậy, dù làm đường mới, dưới đổ bê tông thì theo quy định của làng, phía trên vẫn phải lát gạch nghiêng để bảo đảm cảnh quan đường làng ngõ xóm. Hay như vẻ đẹp của chiếc cầu đá bắc qua sông Nguyệt Đức, khu chợ Nôm cổ kính, hệ thống cổng làng tám trụ vẫn được giữ nguyên vẹn. Quy định này được huyện Văn Lâm thông qua và làng Nôm đã nằm trong kế hoạch bảo tồn của tỉnh Hưng Yên.
Để đất học nở hoa
Làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nổi tiếng với danh hiệu “làng tiến sĩ”, một vùng quê hiếu học. Đặc biệt bản hương ước của làng luôn khuyến khích con cháu đời sau noi gương đời trước, học hành tấn tới. Các lão niên trong làng chia sẻ: Ngoài tấm gương người xưa thì bản hương ước ra đời và năm 1665 với 30 điều quy định về việc khuyến học; gìn giữ văn hóa, lối ứng xử và cảnh quan môi trường đã được phát huy mạnh mẽ. Bản hương ước Mộ Trạch được lưu tại văn chỉ, theo thời gian được điều chỉnh tới 16 lần và nay đã có tới 82 điều, với nhiều quy định và khuyến khích việc học hành, đỗ đạt.
Tiến sĩ Vũ Huy Thuận - người con của Mộ Trạch cho biết: Hương ước của Mộ Trạch khác rất nhiều so với hương ước của những ngôi làng khác.
Tiến sĩ Thuận chỉ ra, nếu những thôn làng khác đưa quy định về tổ chức làng xã, thưởng phạt các hành vi vi phạm lên phần mở đầu của hương ước thì Mộ Trạch đặt nghi lễ đón rước, thưởng cho những người đỗ đạt lên trước. Sau này tiếp nối truyền thống xưa làng và các dòng họ đã xây dựng quỹ khuyến học, khuyến khích rất nhiều trong phong trào học tập, phấn đấu của con em Mộ Trạch.
Về vấn đề này, theo ông Vũ Huy Ái - Chi hội phó Hội Khuyến học xã Tân Hồng, thành viên Ban Quản lý Di tích, hương ước của làng Mộ Trạch hiện còn lưu một bản ở Viện Hán Nôm. Nhờ biết rõ công trạng của các bậc tiền nhân, cộng với ý thức vươn lên mà con cháu sau này đã góp phần xây dựng quê hương thanh bình, giàu đẹp.
Làng Nguyệt Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam xưa, với 11 tiến sĩ, 30 hương cống, cử nhân… Nhiều người nổi tiếng trong các triều đại phong kiến, được sử sách ghi nhận, nhân dân tôn vinh…
Để khuyến khích việc học hành từ xa xưa làng Nguyệt Áng đã có chính sách khuyến học thỏa đáng. Bản hương ước của làng lập năm 1936 ghi rõ các điều, trong đó điều 25 ghi rất rõ các mức thưởng nếu con em trong làng đỗ đạt. Hiện khu Văn chỉ của làng còn lưu giữ 2 bia đá ghi tên tuổi, năm đỗ, chức quan của những người đỗ đạt. Hàng năm, đến ngày Xuân Tế và Thu Tế, Hội Tư văn của làng lại ra đây làm lễ. Truyền thống khoa bảng chính là động lực để các sĩ tử trong làng gắng công đèn sách, quyết tâm thi đỗ cũng như để các gia đình khích lệ, động viên và tạo điều kiện cho con em ăn học.
Phát huy giá trị của hương ước
Hương ước, quy ước là một phần của văn hóa làng, mang tính cộng đồng cao nhằm bảo tồn, gìn giữ thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Còn theo lý giải của PGS.TS Nguyễn Tá Nhí - chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm, hương ước là những quy ước, điều lệ của một cộng đồng người chung sống trong cùng một khu vực, để điều hòa quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, hoặc giữa tập thể này với tập thể khác. Ngày 19/6/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/1998/CT-TTg về “Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư” trên toàn quốc.
20 năm sau Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, ngày 08/5/2018, về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, mục tiêu nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Bắc Giang, Bắc Ninh là những địa phương đi đầu trong cả nước về việc xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa và phát huy giá trị của các bản hương ước. Toàn bộ các làng, thôn, tổ dân phố của hai tỉnh đã lập và thực hiện hương ước, nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục, môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ hủ tục. Tại Hưng Yên cũng có tới 90% số làng, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước theo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Qua rà soát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến thời điểm hiện nay, hương ước, quy ước đã được xây dựng, công nhận và tổ chức thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ hệ thống các quy định rất cụ thể về nghĩa vụ và quyền lợi của các thành viên trong các cộng đồng, hương ước đã trở thành công cụ quản lý mềm rất hiệu quả, khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện của mỗi người dân, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hiệu quả quản lý, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện trong dân cư. Tuy nhiên, cũng cần những bước nghiên cứu, điều chỉnh để hương ước, quy ước gần gũi với người dân, dễ thực hiện, tránh việc hành chính hóa. Chính quyền các địa phương cần tăng cường hướng dẫn các khu dân cư thực hiện việc rà soát sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước cho phù hợp với quy định chung và tình hình thực tế.