Chuyện ghi ở vùng đất Giai Phạm
Quê tôi ở phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, cách xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên một con sông nhỏ.
Năm 1966, khi đạo diễn Huy Thành làm bộ phim “Nổi gió”, các nhà làm phim đã về xã Giai Phạm để thực hiện cảnh quay nhân dân ta trong ấp chiến lược ở một làng quê miền Nam dưới thời chính quyền Sài Gòn. Những người làm phim đã huy động nhân dân xã Giai Phạm tham gia làm diễn viên quần chúng.
Chính trên dòng sông nhỏ ấy, những người làm phim đã cho xây dựng cây cầu tạm, dạng những cây cầu ở miền quê Nam bộ thời kỳ đó. Nhân dân trong vai quần chúng đã kéo thành đoàn đi qua cây cầu tiến về đồn địch. Cảnh quay rất đạt yêu cầu, các diễn viên quần chúng diễn khá tốt.
Dịp quay bộ phim “Nổi gió” tôi không sống ở quê nên khi về quê chơi nghe bọn trẻ cùng trang lứa kể lại. Tôi tiếc là không được tham gia vào cảnh trẻ con trong ấp chiến lược theo cha mẹ đi biểu tình rồi xông vào đồn địch. Trẻ con ùa nhau trèo lên nóc trại lính địch để hò reo mừng thắng lợi. Có thêm cảnh đó cũng vì ở phường Bần Yên Nhân hiện nay, làng Bần ngày trước, ngay bên quốc lộ số 5 có một đồn binh Pháp khá lớn. Tuy gọi là đồn nhưng thực chất đó là một trại lính.
Khi nghe tôi nhắc lại câu chuyện hào hùng ấy, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch HĐND xã Giai Phạm, kiêm Trưởng ban Văn hóa xã, lúc tiếp tôi ở trụ sở UBND đã rất vui: “Tuy là cảnh quay chọn hợp bối cảnh phim nhưng thực tình thì các nhà làm phim đã chọn đúng người đúng việc đấy anh ạ”.
Cái “đúng người, đúng việc” như ông Bình vui vẻ nói chính là xã Giai Phạm là một địa phương giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Ở xã ngay từ rất sớm, nghĩa là trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có nhiều thanh niên bí mật thoát ly tham gia hoạt động cách mạng. Ngay từ hồi đó địa bàn xã cũng là nơi đi về của các đồng chí trong Xứ ủy Bắc kỳ thường xuyên qua lại hoạt động và gây dựng phong trào cách mạng.
Nói rồi ông Nguyễn Văn Bình đứng dậy lấy cho tôi xem tập tài liệu. Đó là bản thiết kế Khu trung tâm văn hóa xã với điểm nhấn là Nhà lưu niệm những người con ưu tú của thôn Yên Phú, của xã Giai Phạm.
Ông Bình hồ hởi khoe: “Thôn Yên Phú hay như tên xa xưa là làng Bần Yên Phú, nay người dân vẫn gọi là làng “Bần Trên” để phân biệt với làng Bần Yên Nhân bên cạnh, xã chúng tôi vinh dự có 2 người con ưu tú. Đó là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Và nhà quân sự huyền thoại, Trung tướng Nguyễn Bình. Cả hai ông đều cùng một làng, cùng chí hướng hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước”.
Cuộn những bản thiết kế khu trung tâm Văn hóa của xã lại, ông Nguyễn Văn Bình nói: “Bây giờ ta tới khu trung tâm Văn hóa xã. Chúng tôi đang tích cực để xây dựng khu trung tâm đó thành một địa chỉ đỏ của xã, của huyện và của tỉnh”.
Cầu được xây dựng bê tông nên xe ô tô ra vào làng Yên Phú rất thuận tiện. Nếu như bên này cầu là một dãy phố nhỏ với đủ các cửa hàng cửa hiệu thì bên kia cầu vẫn giữ nét quê thuần chất. Được biết, xã Giai Phạm nằm bên quốc lộ số 5, cách Hà Nội chừng 25km lại giáp với Khu công nghiệp Phố Nối A của tỉnh Hưng Yên nên địa bàn xã cũng đang “chuyển mình”. Như ông Bình cho biết thì cơ cấu kinh tế của xã gồm hai lĩnh vực chính: Nông nghiệp và dịch vụ. Do vậy hiện xã đã đạt tiêu chuẩn đô thị loại 5. Hướng phấn đấu tương lai là hình thành một đô thị thuộc huyện Yên Mỹ.
Được biết, ngay từ năm 2000, Đảng ủy, UBND xã đã nắm bắt chủ trương, định hướng của tỉnh, vừa chủ động đến một số tỉnh, thành phố trong nước học tập kinh nghiệm mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn xã, vừa tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới nếp nghĩ, hiểu rõ lợi ích của việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và đồng thuận ủng hộ việc giải phóng mặt bằng bàn giao đất cho các dự án đầu tư phát triển công nghiệp. Ngay năm đó, bắt đầu có một số doanh nghiệp về xã tìm hiểu và xúc tiến các hoạt động đầu tư trên địa bàn.
Từ sự khởi đầu này, đến nay toàn xã có 25 dự án đầu tư với hơn 60 nhà máy của các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhân dân đã đồng thuận bàn giao khoảng 280 ha đất canh tác cho các dự án đầu tư trên địa bàn xã.
Giai Phạm trở thành một trong những địa bàn trung tâm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, hình thành các khu, cụm công nghiệp ở khu vực phía Bắc của tỉnh. Do đó trong khi dân số của xã có gần 8,5 nghìn nhân khẩu, xã thu hút hơn 2 nghìn công nhân thường xuyên tạm trú ở các thôn, xóm.
Mải vui chuyện xã chuyện làng, chúng tôi đã đến khu Trung tâm văn hóa của xã. Hiện ngay trước mắt tôi đầu tiên những những cây đa cổ thụ, sum suê tỏa bóng mát con đường liên thôn đã được trải nhựa thoáng đãng. Nhìn qua bên phải là Nhà lưu niệm Trung tướng Nguyễn Bình. Chếch qua bên trái nổi bật là Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Ông Nguyễn Văn Bình chỉ tay về phía Nhà lưu niệm Trung tướng Nguyễn Bình: “Cảnh nhân dân tràn vào chiếm đồn quân đội Sài Gòn chỉ là cảnh trong phim “Nổi gió”. Chứ tháng 3 năm 1945 việc chiếm đồn binh Pháp là hoàn toàn có thật”.
Theo đó, hồi đầu năm 1945 ở khu vực mấy xã quanh đây đã hình thành Khu du kích Bãi Sậy do Việt Minh Hưng Yên tổ chức và lãnh đạo. Dạo đó anh thanh niên Nguyễn Phương Thảo tức Trung tướng Nguyễn Bình đang hoạt động ở quê nhà. Anh đã báo cáo lên Xứ ủy Bắc Kỳ ý tưởng giả trang quân Nhật đến tước khí giới để thực hiện mục tiêu chiếm đồn nhanh gọn, ít đổ máu. Được cấp trên chuẩn y, ngay trong ngày 10/3/1945, khi cuộc đảo chính Pháp của Nhật chưa kết thúc.
Theo kế hoạch, lực lượng tự vệ khu Bãi Sậy đóng giả làm quân Nhật và thông dịch viên gồm 4 người do Nguyễn Phương Thảo chỉ huy trực tiếp đánh đồn từ bên ngoài vào khi nhân mối mở cổng. Trận đánh chiếm không tốn một viên đạn ấy đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “Trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ”.
Ông Nguyễn Văn Bình còn khoe thêm: “Hồi đầu năm, khi đoàn làm phim "Hồng Hà nữ sĩ" về xã để “báo cáo” chuyện làm phim về một người con danh tiếng của xã”. Nghe giọng “khoe” vui của ông Bình tôi cũng thích thú nói thêm: Phim vừa công chiếu và được khán giả đánh giá rất cao.
Người con danh tiếng của xã Giai Phạm thì ai cũng biết, đó là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, người dịch xuất sắc "Chinh phụ ngâm" từ chữ Hán sang chữ Nôm. Bà là con gái họ Đoàn ở thôn Giai Phạm, tên của thôn cũng là tên của xã, hiện ở thôn bà con trong dòng họ Đoàn đang lên ý tưởng về việc xây dựng công trình để tưởng niệm và để lưu giữ những giá trị văn hóa mà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã đóng góp.
Ông Bình tâm tư: “Dòng họ muốn xây dựng tại thôn. Xã cũng nêu phương án xây dựng Nhà lưu niệm bà Đoàn Thị Điểm ở khu Trung tâm văn hóa xã, vì ngay sau đó là đình đền Dẫn Ngự, nơi người làng thờ Đức Đông Hải Đại Vương, một trung quân thời Lý. Như vậy sẽ tạo thành một quần thể văn hóa lịch sử.
Chúng tôi bước vào sân Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông Đặng Đình Được - người trông coi Nhà tưởng niệm cho biết: "Nhà tưởng niệm được xây dựng tháng 3 năm 2003 và hoàn thành tháng 9 năm 2004.
Theo đó, Nhà tưởng niệm có tổng diện tích 1 ha, với diện tích ban đầu 2.000m2, vốn là nền đất cũ của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh". Được biết từ khi hoàn thành và đi vào hoạt động đến nay, Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thường xuyên có nhiều đoàn khách tới tham quan và là nơi tổ chức các hội thảo khoa học.