Cải cách tiền lương
Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết: Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách vui mừng phấn khởi trước chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện cải cách tiền lương.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã có đề án cải cách tiền lương. Theo đề án, lương của cán bộ công chức và các lực lượng liên quan sẽ tăng từ ngày 1/7/2024. Chính phủ cho biết đã tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 trong 3 năm 2024-2026.
Cải cách chính sách tiền lương thể hiện tư duy đột phá, nhằm mục tiêu nâng cao đời sống của người hưởng lương, đồng thời là đòn bẩy nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cải cách tiền lương cũng nhằm mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp lại đầu mối tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nước ta đã qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương nhưng chưa lần nào đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này.
Điểm mới nổi bật trong đề án cải cách tiền lương lần này của Chính phủ là xác định và trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý; thay thế hoàn toàn bảng lương theo hệ số lương đã tồn tại từ năm 2004. Một điểm mới nữa cũng rất đáng chú ý trong trong cải cách tiền lương lần này là cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản, tính tỷ lệ cho phần phụ cấp, loại hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù. Như vậy sẽ chỉ còn lại bảng lương cơ bản và lương phụ cấp. Đây là vấn đề rất mới đảm bảo công bằng, tiến bộ.
Phấn khởi trước chủ trương thực hiện lương mới, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng lo ngại lạm phát khi thực tế cho thấy trước khi khi tăng lương thì giá cả hầu hết các mặt hàng đã tăng, lương luôn “chạy theo giá”. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023 có 31% các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi vấn đề giá cả tăng cao. “Nếu tăng lương không kèm theo các biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương cũng không được đảm bảo” - bà Vũ Thị Lưu Mai, ĐBQH đoàn Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lưu ý.
Thực tế cho thấy, 6 năm qua, mỗi lần điều chỉnh lương 7% nhưng cũng chỉ là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương. Vì thế, theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thì cải cách tiền lương là “không thể khác, điều kiện đã đủ rồi” - ông Dung phát biểu trước Quốc hội ngày 24/10 và ủng hộ việc xóa bỏ mức lương cơ sở, thay bằng trả lương theo vị trí việc làm.
Lương thấp khiến đời sống của người hưởng lương từ ngân sách gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu của cuộc sống ngày một cao hơn, nhiều khoản chi phí hơn. Những bất cập trong chính sách tiền lương ở khu vực công, vốn vẫn nặng tính cào bằng và mức lương thấp khiến cho khu vực công ngày càng khó tuyển được nhân sự tâm huyết và năng lực chuyên môn giỏi. Thời gian qua, hàng chục nghìn người hưởng lương ngân sách đã rời bỏ khu vực công, nhiều nhất là hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế. Tại buổi họp báo Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2022, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết có tới 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong hơn 2 năm. Mà nguyên nhân quan trọng nhất là lương quá thấp.
Về nguyên tắc, tiền lương phải bảo đảm cho người lao động sống được bằng lương. Cải cách tiền lương phải biến chính sách thành động lực. Người xưa nói: “Có thực mới vực được đạo”, nếu tiền lương không đủ sống và người làm nhiều cũng lĩnh lương như người làm ít, người làm giỏi cũng nhận mức lương như người làm kém thì guồng máy khó thoát được trì trệ.
Người lao động ai cũng mong muốn khi làm việc thì lương phải đủ sống, sống đàng hoàng và có thể đủ để sống an nhàn khi nghỉ hưu. Họ phải được đặt vào trung tâm của mọi chính sách tiền lương và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, không thể quên rằng cải cách chính sách tiền lương phải gắn liền với đổi mới công tác nhân sự. Không thể nói đến nhân sự mà không nói đến tiền lương, không thể nói tiền lương mà không nói đến nhân sự. Vì thế, đổi mới chế độ tiền lương phải đi cùng với đổi mới công tác nhân sự
Bảo đảm tiền lương đủ sống để cán bộ không phải “chân ngoài dài hơn chân trong”. Khi đã có mức lương đủ sống, đảm bảo cuộc sống gia đình, con cái học hành, thì tư tưởng xà xẻo, hách dịch, tìm cách tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ giảm đi.