Lợi ích lớn từ mô hình nuôi cua
Mô hình nuôi cua lột, có giá trị kinh tế cao được triển khai tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), đang đem lại hy vọng phát triển kinh tế cho người dân vùng bãi ngang.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cua lột của ông Lê Văn Hoành tại xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa vào một ngày cuối tháng 10. Đây là mô hình kinh tế mới, khá lạ lẫm với nghề nuôi cua thịt truyền thống của người dân địa phương và là sản phẩm vừa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Hoằng Hóa năm 2023.
Ông Hoành cho biết: Nhận thấy nhu cầu của thị trường và những lợi thế từ vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ của xã Hoằng Phong và các xã vùng triều lân cận, ông đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa với diện tích gần 1ha ngay tại vùng nuôi trồng thủy sản ngoại đê của xã Hoằng Phong. Đây là mô hình nuôi cua lột đầu tiên của huyện Hoằng Hóa.
Theo ông Hoành, để nuôi được cua lột đòi hỏi phải đầu tư vốn lớn xây dựng nhà có mái che, bể nuôi kiên cố, hệ thống xử lý nước cũng như kho lạnh bảo quản... Quá trình nuôi cua lột đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Cua nuôi được chọn lựa kỹ, phải là cua có trọng lượng từ 150 - 250g, phải khỏe mạnh, chắc thịt. Loại cua này được chọn mua từ các đầm nuôi trồng thủy sản trong xã và các xã lân cận. Sau khi được tuyển chọn, cua được khử khuẩn và được cho vào các lồng nhựa riêng để chăm sóc, theo dõi hàng ngày và bảo đảm các điều kiện môi trường để chúng có thể lột vỏ. Người nuôi phải rất cẩn trọng trong việc bảo đảm nguồn nước trong các bể nuôi, bảo đảm điều kiện sống cho cua.
Giá thành của sản phẩm hiện ở mức cao, dao động từ 800.000 - 1.000.000 đồng/kg tuỳ vào kích cỡ. Quy mô sản xuất tại trang trại của ông Hoành hiện ở mức khoảng 5 tấn cua/năm, đã cung cấp sản phẩm đến nhiều tỉnh, thành lớn trên cả nước.
“Cái khó không chỉ ở chỗ, người nuôi phải bỏ vốn đầu tư lớn mà còn phải đối mặt với tình trạng nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Để xử lý nước trong các bể nuôi đạt chuẩn, chi phí cho các chế phẩm sinh học cũng rất tốn kém. Thêm vào đó là đầu ra cho sản phẩm cũng chưa có tính bền vững… Đã có nhiều doanh nghiệp tìm đến để học hỏi với ý định đầu tư nhưng đều e ngại vì những yếu tố nêu trên”.
Theo ông Lường Hữu Bình - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hoằng Phong, toàn xã có hơn 260ha đất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do tập quán canh tác, người dân vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của vùng. Trong điều kiện này, sản phẩm cua lột của gia đình ông Hoành là sản phẩm đặc trưng của địa phương, đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Đây là một mô hình có nhiều triển vọng, góp phần làm đa dạng các sản phẩm thủy sản, thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
“Tuy nhiên, việc nhân rộng những mô hình này còn gặp khó khăn do quy trình nuôi cua lột không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con giống. Do vậy, việc khuyến khích bà con học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư thêm những mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao cần có chính sách hỗ trợ, kích cầu một cách thiết thực. Bên cạnh đó, hệ thống đê chắn sóng tại Hoằng Phong cũng cần phải tu bổ thì người nuôi cua mới có đủ “dũng khí” bắt tay vào làm theo mô hình kinh tế này” - ông Bình nói.