Việt Nam - Miền đất hứa của công nghiệp bán dẫn
Có nhiều thuận lợi để phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn đến từ các quốc gia phát triển trên thế giới.
Sẽ bùng nổ vào năm 2024
Vừa qua tại khu công nghiệp Yên Phong II-C, Tập đoàn Amkor tổ chức lễ khánh thành nhà máy Amkor Technology Việt Nam. Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor tại Bắc Ninh.
Bà Susan Y.Kim - Phó Chủ tịch Tập đoàn Amkor Technology khẳng định, việc phát triển nhà máy Amkor tại Bắc Ninh nằm trong kế hoạch chiến lược kinh doanh của tập đoàn. Amkor Bắc Ninh sẽ trở thành cứ điểm quan trọng, là trụ cột trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn Amkor trên toàn cầu trong thời gian tới và tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang được Chính phủ hết sức quan tâm. Trong cuộc tiếp và làm việc với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí với đề nghị của Hoa Kỳ và cho biết, mở rộng chuỗi cung ứng và sản xuất chíp, chất bán dẫn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đang thúc đẩy thể chế, chính sách ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật, quản trị hiện đại và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.
Theo ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Bắc Mỹ đến Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở nước ta thời gian gần đây.
Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp (DN) đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Theo các chuyên gia, với sự hợp tác của các DN công nghệ Mỹ, trong năm 2024, Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.
Bà Linda Tan - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ...
Xây dựng cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư
Hiện Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật. Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. NIC và các khu công nghệ cao sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Các hiệp hội vi mạch quốc tế cho rằng, nếu làm tốt xu hướng phát triển này, Việt Nam có thể nghĩ đến tự sản xuất chip từ năm 2030 trở đi. Nhận định về cơ hội phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Phú Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng việc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ có chiến lược hợp tác với Việt Nam thời gian qua, đặc biệt liên quan đến bán dẫn, là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ngành này trong tương lai.
Để khai thác cơ hội, thúc đẩy phát triển chip bán dẫn ở Việt Nam, theo ông Hùng, cần phải có các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các DN, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng lab tại Việt Nam, hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến chip bán dẫn.
Để thu hút nguồn chất xám, công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chip bán dẫn. Từ đó, sẽ tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể áp dụng, nắm bắt, nhanh nhất, làm chủ công nghệ lõi trong lĩnh vực này. Ưu tiên triển khai các chương trình nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia liên quan đến lĩnh vực chip bán dẫn. Bộ sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai chương trình sản phẩm quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Thông qua chương trình này các DN có thế mạnh như Viettel, FPT, CMC, Phenikaa… và các viện nghiên cứu, trường đại học phối hợp chặt chẽ hơn, tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Từ đó sẽ hình thành hệ sinh thái giữa các viện, trường và doanh nghiệp sản xuất từ khâu thiết kế đến chế tạo sản phẩm chip bán dẫn.