Đường sắt tập trung cải thiện chất lượng tàu để hút khách
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ, đường sắt hiện chỉ khai thác được 20 đôi tàu/ngày đêm trên trục Bắc – Nam, chất lượng tàu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hành khách. Vì vậy, để hút khách đường sắt đang tiến hành cải tạo nâng cấp chất lượng.
Nâng cao chất lượng để hút khách
Vừa qua, với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và gia tăng các tiện ích phục vụ hành khách, sau 3 tháng tiến hành nâng cấp, cải tạo, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa chính thức khai trương đoàn tàu khách chất lượng cao với lịch trình chạy Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại.
Theo đó, Tổng công ty Đường sắt đã xây dựng thương hiệu đoàn tàu chất lượng cao SE19/SE20 với nhận diện riêng và gia tăng tính thẩm mỹ để thu hút hành khách tuyến Hà Nội - Đà Nẵng như: sơn mới và đầu tư một số trang thiết bị nội thất nâng cấp các toa ghế ngồi, toa giường nằm, khu vực rửa tay…
Bên cạnh đó, tại khu vực giường nằm, ngoài việc thay mới chăn, ga gối và trang trí lại thành vách toa xe… hệ thống điều hòa được thiết kế có nút điều chỉnh cửa xả gió để hành khách có thể tự điều chỉnh nhiệt độ và hướng gió theo nhu cầu.
Đặc biệt, đối với toa hàng ăn, ngành đường sắt đã đầu tư làm mới hoàn toàn nội thất toa xe để hành khách có thể thoải mái ngồi thưởng thức cà phê hay các bữa ăn trên tàu và ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên bên ngoài. Các toa xe khách lắp đặt mới bình nước nóng, thiết bị vệ sinh sứ ở khoang rửa mặt và buồng vệ sinh… đem lại cảm giác sạch sẽ, sang trọng.
Cùng với việc đầu tư trang thiết bị Tổng công ty Đường sắt cũng tuyển chọn đội ngũ tiếp viên trên tàu (trưởng tàu, nhân viên phục vụ) là những nhân viên có nhiều kinh nghiệm, có hình thức, kỹ năng, kinh nghiệm giao tiếp tốt và đặc biệt là có thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
Về chính sách giá vé, trước mắt, Tổng công ty Đường sắt vẫn giữ nguyên giá vé như hiện tại.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt chia sẻ, đường sắt hiện chỉ khai thác được 20 đôi tàu/ngày đêm trên trục Bắc – Nam, chất lượng tàu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hành khách.
"Trong khi các loại hình vận tải khác như đường bộ, hàng không, đường biển được đầu tư và phát triển mạnh, nên đường sắt khó cạnh tranh, thị phần giảm cũng dễ hiểu. Để hút khách trở lại, đường sắt đang tập trung đầu tư cải tạo phương tiện chất lượng hơn, nâng cấp hệ thống ray cho êm thuận (dùng ray liên), nâng tốc độ chạy tàu.
Chúng tôi cũng đang xây dựng tàu kết nối các đô thị để khách có thể đi về trong ngày, bán vé tháng như giữa Hà Nội với Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định; tổ chức mô hình đón khách tận nhà, trả khách tận nơi. Khai thác hiệu quả hơn loại hình du lịch đường sắt, khi đường sắt Bắc – Nam được xếp là đẹp nhất thế giới. Cùng đó là thực hiện các bước đi cơ cấu lại Tổng công ty", lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho hay.
Đường sắt tăng cường phát triển liên vận quốc tế
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có kiến nghị Bộ GTVT quy hoạch thêm tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, hoặc bổ sung đoạn Hạ Long - Móng Cái vào Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tại TP Hạ Long) do Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai, làm cơ sở để tỉnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư cũng như quản lý quỹ đất theo quy hoạch.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, phía Trung Quốc đang triển khai đầu tư tuyến đường sắt từ TP Phòng Thành đến TP Đông Hưng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc.
Việc sớm triển khai tuyến Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng trong vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.
Nói về đề xuất quy hoạch thêm tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho hay: "Có thêm tuyến đường sắt này sẽ tăng hiệu quả, năng lực khai thác của ngành đường sắt".
Ngoài ra, theo vị lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho hay, hiện nay đường sắt cũng đã tăng cường phát triển thị trường và khai thác nhiều đoàn tàu hàng nội địa cũng như liên vận quốc tế. Những đoàn tàu container liên vận quốc tế đi Trung Quốc, tới Trung Á và châu Âu được khai thác thường xuyên.
"Hiện tàu hàng xuất khẩu ngoài tổ chức từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), đã có thể thực hiện thủ tục xuất khẩu từ ga Kép (Bắc Giang), ga Cao Xá (Hải Dương), ga Sóng Thần (Bình Dương) để đi thẳng quốc tế", lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt chia sẻ.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 3 tuyến đường sắt gồm: Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có chiều dài dự kiến 129km, khổ đường 1.000mm và 1.435mm, lộ trình đầu tư đến năm 2030.
Tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến 101km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến 150km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.