Giải pháp cho an ninh lương thực châu Phi
Khi châu Phi đang phải đối mặt với hạn hán kéo dài, việc trồng trọt khó khăn hơn bao giờ hết, đặc biệt với cây đậu – nguồn thực phẩm chính, đã xuất hiện những giống cây mới đem lại hy vọng.
Cải tạo giống cây chủ lực
Là loại cây trồng có khả năng phục hồi cao chứa nhiều chất xơ và khoáng, đậu là nguồn cung cấp protein quan trọng của hàng triệu người châu Phi, nguồn thu nhập chính của nông dân. Nhưng biến đổi khí hậu khiến cây trồng chủ lực này bị đe dọa. Theo một nghiên cứu năm 2016, 60% diện tích trồng đậu ở vùng cận Sahara có thể không còn phù hợp canh tác loại cây này vào cuối thế kỷ.
Cận Sahara là khu vực châu Phi phía nam sa mạc Sahara, bao gồm 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, diện tích 11,7 triệu km2, dân số 900 triệu người.
Trong nỗ lực đảm bảo tương lai và tối đa hóa tiềm năng của loại cây trồng thiết yếu, Liên minh Nghiên cứu đậu Châu Phi (PABRA) tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát triển và phân phối hơn 650 giống đậu mới trên khắp châu lục.
Hồi tháng 9, PABRA được trao Giải thưởng Thực phẩm châu Phi trị giá 100.000 USD cho nỗ lực cải thiện an ninh lương thực và thu nhập của nông dân. Theo PABRA, 32 quốc gia trên khắp châu Phi được tiếp cận các giống đậu mới. PABRA cho rằng, những loại đậu mới không chỉ giàu dinh dưỡng hơn mà còn có khả năng phục hồi tốt hơn, hiệu quả hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân.
Ở Ethiopia, đậu có thời gian thu hoạch ngắn hơn nhưng năng suất cao gấp đôi, ông Jean Claude Rubyogo - Giám đốc PABRA - cho biết. “Điều đó có nghĩa là bạn có thể có lương thực, có tiền trước khi các loại cây trồng khác đến kỳ thu hoạch” - ông Rubyogo nói.
Đậu của PABRA sử dụng ít nước hơn và có khả năng chống chọi tốt với các kiểu thời tiết ngày càng bất thường. Cây chịu đựng thời gian khô và ẩm kéo dài tốt hơn, mang lại thu nhập cao hơn cho 37 triệu nông dân trên khắp lục địa.
Nghiên cứu của nhóm chủ yếu được thực hiện ở Cali, Colombia. Các kết quả sau đó được chia sẻ với các chương trình quốc gia ở châu Phi. Một số giống được lựa chọn và phát triển dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng địa phương.
Hiện 300 triệu người trên khắp lục địa thường xuyên ăn các loại đậu giống mới. “Những loại này có 22-23% protein, là nguồn cung cấp protein rất tốt” - ông Rubyogo cho biết. Chúng cung cấp chất xơ, carbohydrate và rất ít lipid, nhiều sắt và kẽm.
PABRA cho biết, thu nhập của hơn 5 triệu hộ gia đình thuộc 10 quốc gia châu Phi tăng 30% nhờ các loại đậu mới.
Đa dạng cây trồng
Theo ông Chike Mba - Phó Giám đốc sản xuất và bảo vệ thực vật tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), việc cung cấp một bộ giống đậu đa dạng, có khả năng phục hồi rất quan trọng đối với sự phát triển, tương lai nông nghiệp của châu Phi.
Ông Mba cho rằng, để để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực trên 1/5 khu vực cận Sahara, nông dân phải trồng nhiều loại cây hơn, bao gồm cả đậu. “Trang trại của bạn càng có nhiều loại cây trồng thì khả năng phục hồi của hệ thống trồng trọt càng cao, giúp nâng cao khả năng chống chọi với những cú sốc khí hậu đang diễn ra như hạn hán” – ông Mba nói.
Ông Mba lưu ý rằng, đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine, một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, ảnh hưởng đến châu Phi, khi lượng gạo đến từ châu Á ít hơn trong năm 2020 và nhập khẩu ngũ cốc từ Đông Âu giảm.
“Nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra, chúng ta sẽ phải chứng kiến nạn đói trên quy mô lớn. Các nước châu Phi cần phải đa dạng hóa, nâng cao khả năng sản xuất thực phẩm của mình. Các chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu cây trồng, hỗ trợ quan hệ đối tác trong khu vực và toàn cầu. Các chính sách cần được thiết kế giúp nông dân tiếp cận công nghệ và tài chính” - ông Mba nêu quan điểm.
PABRA cho biết, các chính phủ châu Phi đang mở nhiều chiến dịch liên quan an ninh lương thực. “Trong khi PABRA tạo điều kiện kết nối giữa các nhà phát triển và người tiêu dùng, các chương trình quốc gia được điều hành bởi các tổ chức nghiên cứu do chính phủ thành lập” - ông Rubyogo cho hay.
Ông cho biết thêm, các nước trong khu vực có động lực đưa các giống đậu mới vào thị trường bởi họ cần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân, trao quyền cho phụ nữ và phát triển nền kinh tế đất nước.
PABRA đang nghiên cứu cách giảm 30% thời gian chế biến thức ăn từ đậu. “Đậu hầm có thể mất từ hai đến ba giờ. Việc này tốn thời gian và năng lượng” – ông Rubyogo nói và ước tính, nếu nghiên cứu thành công, việc này có thể tiết kiệm cho người tiêu dùng 1,5 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, việc thích ứng với các kiểu thời tiết ngày càng khắc nghiệt là rất quan trọng. “Biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề then chốt, vì vậy chúng ta cần đầu tư nghiên cứu sâu hơn. Chúng tôi đã nhìn thấy sự thay đổi khi những sản phẩm này đến tay những người dễ bị tổn thương” – ông Rubyogo nói.
Theo ông Chike Mba - Phó Giám đốc sản xuất và bảo vệ thực vật tại FAO, để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực cho 1/5 khu vực cận Sahara, nông dân phải trồng nhiều loại cây trồng hơn, bao gồm cả đậu. Cây trồng càng đa dạng thì khả năng phục hồi của hệ thống trồng trọt càng cao, giúp nâng cao khả năng chống chọi với những cú sốc khí hậu.