Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm có hại cho sức khỏe: Vấn đề cấp thiết
Những bệnh không lây nhiễm được coi như “kẻ giết người thầm lặng”, luôn đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ lạm dụng rượu, giảm độ ngọt... là giải pháp hữu hiệu để giảm gánh nặng do bệnh không lây nhiễm gây ra. Vì vậy, tăng thuế tiêu thụ với sản phẩm có hại cho sức khỏe cộng đồng là cấp thiết.
Một nghiên cứu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện của Hà Nội được thực hiện năm 2023 cho thấy, các trường tại các quận nội thành tỷ lệ thừa cân, béo phì dao động từ 45,5% đến 55,7%. Các huyện ngoại thành là từ 20,9% đến 31,1%.
Gánh nặng kép vì bệnh không lây nhiễm
PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, nguyên nhân của thừa cân, béo phì lứa tuổi học đường là do chế độ ăn không hợp lý, thừa năng lượng, chất đạm, thiếu vi chất; trẻ ít hoạt động thể lực; ăn thức ăn nhanh, chế biến sẵn, thực phẩm có nhiều đường… Trong khi đó, việc tổ chức bữa ăn học đường tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, nhân lực, mức thu. Môi trường xung quanh, căng tin trường học còn bán các sản phẩm không lành mạnh…
"Thừa cân, béo phì dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng. Xét nghiệm 500 trẻ béo phì, có 35-50% trẻ bị rối loạn mỡ máu. Đáng nói hiện nay đái tháo đường cũng không còn là bệnh của người lớn mà đang bị trẻ hóa, mà nguyên nhân là do lối sống chế độ ăn thiếu lành mạnh” - bà Nhung cho biết.
Thực tế tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và học sinh tại Việt Nam đã và đang đối diện với gánh nặng kép về dinh dưỡng nghiêng về thừa cân, béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng ở khu vực thành thị và nông thôn. Ở khu vực miền núi, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao. Nguyên nhân của tình trạng này, theo bà Nhung, là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa năng lượng, thiếu vi chất; tâm lý người thân muốn con bụ bẫm. Trẻ thiếu hoạt động thể lực, sử dụng thực phẩm nhiều đường cũng dẫn đến thừa cân, béo phì.
Không chỉ thừa cân, béo phì, bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về chi phí kinh tế cũng như bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 80% số ca tử vong, trong đó 41% số ca tử vong xảy ra trước 70 tuổi. Thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoảng 6-7% dân số mắc đái tháo đường. Trong khi đó, một căn bệnh khác là bệnh tăng huyết áp với tỉ lệ mắc là 25% số người trưởng thành. Hay với ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... cũng ngày càng gia tăng.
Các yếu tố dẫn đến bệnh không lây nhiễm ở mức cao là do hút thuốc lá, uống rượu, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều muối, thiếu vận động thể lực. Tỉ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh, trung bình gần 1%/năm. Tình trạng rối loạn lipid máu có chiều hướng tăng cao ở cả hai giới.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, theo ước tính, mỗi năm thế giới có khoảng 14,2 triệu người trong độ tuổi từ 30-69 tử vong sớm ở vì các bệnh không lây nhiễm. Dự tính, trong 20 năm tới, bệnh không lây nhiễm có thể gây thiệt hại kinh tế cho thế giới khoảng 47 nghìn tỷ USD, riêng 4 bệnh không lây nhiễm chính gây thiệt hại khoảng 30 nghìn tỷ USD.
“Gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường. Có bằng chứng mạnh mẽ liên quan đến việc tiêu thụ đường với sự gia tăng toàn cầu về thừa cân béo phì, tăng nguy cơ sâu răng, đái tháo đường type 2, tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa khác, một số bệnh ung thư. Điều này gây ra gánh nặng cho cá nhân và xã hội khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh, tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân” - ông Lâm nhấn mạnh.
Đồ uống có đường ngày càng được yêu thích, đặc biệt với trẻ em. Thế nhưng, thực tế, theo khuyến nghị của WHO, lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng mỗi ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe tương đương dưới 25-50gram đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25gram mỗi ngày với trẻ em. Chính bởi vậy, việc quá lạm dụng đồ uống có đường sẽ gây ra những hệ lụy lớn cho sức khỏe người sử dụng.
Vì sao cần tăng thuế?
Trước thực tế đáng lo ngại trên, tại Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) Bộ Tài chính đã đề xuất 6 nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung. Trong đó, bổ sung 4 đối tượng chịu thuế: Nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới…Theo các chuyên gia, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) (TTĐB) của Bộ Tài chính trình Chính phủ, nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm có hại cho sức khỏe theo Quyết định số 155/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ là cần thiết. Bởi thực tế gánh nặng các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng và một trong các nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông, giáo dục sức khỏe, Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm gây hậu quả nặng nề cho người bệnh, gây tổn thất lớn về kinh tế, chính trị và xã hội, song hoàn toàn có thể phòng chống được. Theo đó, riêng đối với thuốc lá thì các can thiệp tốt nhất bao gồm tăng thuế, cấm hút thuốc nơi công cộng và nơi làm việc; thông tin sức khỏe và cảnh báo về thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại.
Đồng tình với quan điểm cần phải tăng thuế với thuốc lá, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cũng cho rằng, tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đây là những con số cho thấy tác hại đáng báo động của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội. Đáng chú ý, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam hiện ở mức 75% giá xuất xưởng, tuy nhiên, tỷ lệ thuế tiêu dùng trong giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 38-39%, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của các quốc gia có mức thu nhập trung bình (59%) và đa số các nước ASEAN (khoảng 60-70%).
Tương tự với sản phẩm có đường, bên cạnh giải pháp truyền thông nhằm hạn chế quảng cáo đồ uống có đường cho trẻ em và thanh thiếu niên, giải pháp áp Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường được xem là giải pháp đem lại lợi ích kép vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng đồng thời tăng thuế cho Nhà nước.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, một trong các biện pháp được khuyến cáo đó là cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường để hạn chế tiêu thụ do giá cao hơn, việc đánh thuế đồ uống có đường là cần thiết để điều chỉnh hành vi của người dùng, qua đó giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường.
“WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua các biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Hạn chế đồ uống có đường với mục đích giảm nguy cơ mắc bệnh thừa cân, béo phì, tim mạch, sâu răng, giảm áp lực gánh nặng sức khỏe” - ông Lâm nói.
Đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính đưa đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB, bà Ngô Thị Hà Phương - Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, đánh thuế với đồ uống có đường có thể là một chiến lược đôi bên cùng có lợi, bao gồm: lợi về tăng thu cho ngân sách nhà nước và quan trọng nhất là lợi cho y tế công cộng (ngăn chặn chi phí chăm sóc sức khỏe), lợi cho công bằng về sức khỏe. Chưa kể, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải cải tiến sản phẩm, giảm hàm lượng đường trong sản phẩm...
Đến nay đã có 85 nước bổ sung nước uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB và đã mang lại hiệu quả cả về nhận thức và hành động từ phía người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất.
Theo các chuyên gia, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính trình Chính phủ, nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm có hại cho sức khỏe theo Quyết định số 155/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Bởi thực tế gánh nặng các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng và một trong các nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Bà Ngô Thị Hà Phương - Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, đánh thuế với đồ uống có đường có thể là một chiến lược đôi bên cùng có lợi, bao gồm: lợi về tăng thu cho ngân sách nhà nước và quan trọng nhất là lợi cho y tế công cộng (ngăn chặn chi phí chăm sóc sức khỏe), lợi cho công bằng về sức khỏe. Chưa kể, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải cải tiến sản phẩm, giảm hàm lượng đường trong sản phẩm…
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế:
Giá thuốc lá rẻ chính là một nguy cơ
Hiện Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá (sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 bệnh). WHO dự báo đến 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 70.000 người tử vong/năm (tăng 57,1%, gấp đôi so với 2023) nếu không có các biện pháp mạnh trong phòng chống tác hại thuốc lá.
Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Trong khi đó Thuế TTĐB với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 38,8%. Mức thuế đối với thuốc lá còn rất thấp so với khuyến cáo của WHO là đánh thuế các sản phẩm thuốc lá chiếm 70 - 75% giá bán lẻ.
Chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát với những người hút thuốc lá thì cho thấy, 80% người hút đồng ý tăng thuế để giảm nhu cầu sử dụng. Chúng ta cần có chính sách tác động tới hành vi hút thuốc của mọi người để làm giảm tỷ lệ hút thuốc. Trong đó tăng thuế TTĐB với thuốc lá là cần thiết.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia tài chính:
Cần nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường
Hiện, mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh. Theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Đây cũng một trong những nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì với cả trẻ em và người lớn.
Do vậy, tôi cho rằng, cần phải điều chỉnh thói quen, nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường, giảm thiểu sự tổn thất kinh tế do tăng cân và béo phì và việc phát sinh các bệnh có liên quan, qua đó giảm gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước. Theo đó, đề xuất đánh thuế TTĐB với đồ uống có đường của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý.
Có 3 biện pháp cơ bản nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm có hại cho sức khỏe nói chung, trong đó bao gồm đồ uống có đường là chính sách bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm; chính sách kiểm soát quảng cáo các sản phẩm; chính sách Thuế TTĐB.
Bà Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam:
Mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe và kinh tế
Tôi đánh giá rất cao đề xuất của Bộ Tài chính về việc đánh thuế này. Bởi thực tế rõ ràng cho thấy đầu tư vào phòng, chống bệnh không lây nhiễm không chỉ mang lại lợi ích to lớn về sức khỏe cho người dân, mà còn cả về mặt kinh tế. Do vậy, một trong những biện pháp mà WHO khuyến cáo và có thể thực hiện đó là đánh thuế với những sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, đồ uống có cồn bên cạnh việc giảm quảng cáo, giảm hoạt động xúc tiến thương mại để giảm tiêu dùng sản phẩm không lành mạnh.
Tăng thuế với sản phẩm không lành mạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt là thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn mang lại lợi ích rất lớn, giúp đạt được 3 mục tiêu quan trọng bao gồm: giảm tỷ lệ tử vong, giảm bất công bằng và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Tăng thuế thuốc lá cũng tác động nhiều nhất tới nhóm thu nhập thấp và giới trẻ, bởi đây là nhóm nhạy cảm với giá. Nếu có thể tăng thuế để tăng giá bán sẽ ngăn ngừa được giới trẻ hút thuốc, từ đó ngăn được khả năng “tái hút” sau này. Nói cách khác, tăng thuế với thuốc lá giống như tiêm vaccine để giúp phòng, chống hút thuốc lá. Chính phủ Việt Nam đã đề ra các mục tiêu tham vọng nhằm giảm bớt gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm, cải thiện một số dịch vụ cho người mắc các bệnh không lây nhiễm, bao gồm các bệnh tâm thần kinh thông qua việc giảm mức tiêu thụ thuốc lá. Hiện tại, Việt Nam đã có các định hướng chiến lược và kế hoạch hành động rõ ràng, vì vậy cần tập trung vào công tác triển khai thực hiện để có thể mang lại các thay đổi tích cực đối với sức khoẻ và đời sống của người dân.
Minh Long – Minh Sang