Hải Dương: Kết nối để cà rốt vươn rộng thị trường thế giới
Để cà rốt vươn rộng ra thị trường thế giới, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản, với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu trong, ngoài nước.
Ngày 26/10, tại huyện Cẩm Giàng, Sở Công thương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản của Hải Dương, với các Thương vụ Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài. Hội nghị nhằm kết nối các doanh nghiệp thu mua, sản xuất, sơ chế các mặt hàng nông sản và cà rốt trên địa bàn, mở rộng hợp tác kinh doanh tiêu thụ nông sản trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài,
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp hình thức trực tuyến với gần 150 điểm cầu, trong đó có 36 điểm cầu quốc tế có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thu mua, sản xuất, sơ chế các mặt hàng nông sản và cà rốt. Đây là cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã; cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh chế biến, kinh doanh cà rốt, hàng nông sản của tỉnh Hải Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại; quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, Hải Dương giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh về cà rốt và các mặt hàng nông sản của tỉnh. từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững...
Cà rốt là một trong những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Hải Dương được sản xuất chủ yếu tại huyện: Cẩm Giàng, Nam Sách, Ninh Giang và TP. Chí Linh. Tỉnh được coi là thủ phủ cà rốt của miền Bắc, diện tích trồng cà rốt hàng năm khoảng 1.400ha, sản lượng trên 70.000 tấn, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GolobalGap, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khoảng 60% sản lượng cà rốt được sơ chế, bảo quản lạnh xuất khẩu củ tươi sang Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Malaysia, Singapore và Thái Lan,… còn lại 20% tiêu thụ trong nước dạng củ tươi, nước ép, mứt và cà rốt sấy khô cung cấp làm gia vị cho nhà máy sản xuất mì tôm, cháo ăn liền…
Hiện Hải Dương có 8 nhóm nông sản chủ lực và 234 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Trong đó, nhiều sản phẩm được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, OCOP, truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết.