Cần quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư
Chiều 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Chương V), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm di dời người dân ra khỏi nhà chung cư bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ; nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để tránh trùng lặp, rút ngắn thời gian, tăng cường thu hút đầu tư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến ĐBQH để bổ sung 1 mục (Mục 5 Chương V) gồm các điều 73, 74 và 75 quy định cụ thể về việc di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, cưỡng chế di dời, phá dỡ nhà chung cư. Về đề nghị nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh lý lại các điều 67, 68 và 69 của dự thảo Luật theo hướng: đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của UBND cấp tỉnh thì hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện theo Luật Nhà ở mà không phải thực hiện theo Luật Đầu tư.
Liên quan đến vấn đề nhà chung cư, ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho biết, vừa qua việc sửa chữa nhà chung cư cũ còn rất khó khăn, nhất là các chung cư cao tầng. Chưa kể bị tác động từ các yếu tố tự nhiên, nền đất yếu, do đó tuổi thọ thế nào? Cho nên phải quy định rõ nhà chung cư phải có thời hạn để người mua được biết. Vì thực tế nhà chung cư có thời hạn 50 năm theo hợp đồng mua bán của người mua và chủ đầu tư có giá khác so với các loại nhà khác.
Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Nếu như không quy định thời hạn sở hữu về nhà chung cư thì trong tương lai không có cách nào để xử lý, có thể trở thành vấn đề gây bức xúc cho con cháu chúng ta.
Theo phân tích của ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên), cần quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư vì còn liên quan đến vấn đề bảo hành, quản lý, và giá bán. Đây là điều rất cần thiết, nhất là việc quản lý Quỹ bảo trì nhà chung cư. Hiện đây là lỗ hổng lớn trong quản lý, gây tranh cãi khi việc sử dụng quỹ này không minh bạch, từ đó tạo nên xung đột trong công tác quản lý.
Cũng liên quan đến nhà chung cư, đề cập chung cư mini, ĐB Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) chỉ rõ, chung cư mini là loại hình nhà ở phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên hệ lụy của loại hình nhà ở này cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và cần có các quy định đáp ứng an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo công tác quy hoạch, đảm bảo an toàn cho người dân.