Cẩn trọng ‘mất tiền oan’ với dịch vụ xoá nợ xấu trên mạng xã hội
Nhiều người dân vì thiếu hiểu biết đã mắc bẫy, tiền mất tật mang khi trót tin vào những lời quảng cáo dịch vụ xóa nợ xấu trên mạng xã hội.
Chiêu trò xoá nợ xấu
Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Đối với cá nhân, nếu để xảy ra tình trạng nợ xấu sẽ dẫn đến hậu quả như: Khó có thể vay vốn ngân hàng, bị thu hồi tài sản, giảm mức độ tin cậy và uy tín,... Vì vậy, nắm bắt được nhu cầu vay tiền và tình trạng khó khăn về tài chính của một bộ phận người dân, các đối tượng đã đánh vào tâm lý này, tạo ra dịch vụ xóa nợ bản chất nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trên mạng xã hội, hàng loạt các hội nhóm, fanpage liên tục quảng cáo về dịch vụ xoá nợ xấu ngân hàng với những lời hứa hẹn như: “Cam kết xoá nợ xấu trên tất cả các ngân hàng nhanh, gọn; xoá nợ xấu chỉ trong 24-72h, xóa sạch nợ xấu trên hệ thống CIC…”
Ngoài ra, để tăng lòng tin với người có nhu cầu, các đối tượng này còn sẵn sàng đăng tải những hình ảnh hoạt động của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) để cài đặt làm ảnh đại diện, ảnh bìa bằng logo của CIC.
Từng là nạn nhân của chiêu trò này, anh Nguyễn Văn Long (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, cách đây vài tuần anh có ra ngân hàng làm thủ tục vay vốn nhưng không được chấp thuận. Tại đây, anh được nhân viên thông báo dính khoản nợ xấu cách đây 3 năm.
Lên Facebook nhờ tư vấn, anh tìm đến những hội nhóm quảng cáo dịch vụ xoá nợ xấu ngân hàng và được hứa hẹn sẽ xoá sạch lịch sử nợ xấu trên CIC trong vòng 24 - 72h, cam kết tạo lại hồ sơ tín dụng “sạch” với điều kiện chuyển khoản trước 2 triệu đồng làm cọc. Sau khi đã xoá được nợ xấu, sẽ thanh toán nốt phần còn lại là 2 triệu đồng.
“Tuy nhiên, đến cuối ngày vẫn không thấy thông báo, tôi có gọi điện và nhắn tin thì đã thấy mình bị chặn từ lúc nào”, anh Long cho hay.
"Đánh giá qua tin nhắn, chúng tôi đã đưa ra lời khuyên cho khách hàng rằng khi chưa xác định được các đối tượng thực hiện giao dịch trên mạng xã hội là ai danh tính như thế nào thì không nên chuyển tiền hay cung cấp thông tin cá nhân trên mạng cho họ để tránh bị tiền mất tật mang", Luật sư An cho hay.
Luật sư cũng nhấn mạnh, khách hàng tuyệt đối không tin tưởng vào những quảng cáo, chào mời, giới thiệu dịch vụ “che nợ xấu”, “xóa nợ xấu”. Cách duy nhất là không phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu là thanh toán nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.
Để duy trì và cải thiện điểm tín dụng, mỗi cá nhân nên có ý thức kiểm soát hành vi sử dụng tín dụng của mình. Trước khi tiến hành vay vốn, khách hàng cần cân nhắc về lãi suất vay và tính lãi suất vay phù hợp với mức thu nhập và khả năng chi trả cho khoản vay của mình; chủ động trả hết nợ và không bao giờ vay quá khả năng thanh toán trong tháng.
Trong trường hợp đã phát sinh nợ xấu khách hàng sẽ không thể xếp hạng cao trong Hệ thống tín dụng nội bộ của ngân hàng và không thể đáp ứng được Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng.
Hành vi lợi dụng lòng tin của những người đang gặp khó khăn sau khi bị lừa đảo là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào số tiền lừa đảo mà các đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sư về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bổ sung thêm, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, phân loại nợ theo phương pháp định lượng thành 5 nhóm như sau:
Nợ xấu nhóm 1 hay còn gọi là nợ đủ tiêu chuẩn: Là khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi nợ.
Nợ xấu nhóm 2 hay còn gọi là nợ đáng chú ý: Là khoản nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ và lãi bị quá hạn.
Nợ xấu nhóm 3 hay còn gọi là nợ dưới tiêu chuẩn: Là khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày.
Nợ xấu nhóm 4 hay còn gọi là nợ nghi ngờ: Là khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; Nợ xấu nhóm 5 hay còn gọi là nợ có khả năng mất vốn: Là khoản nợ quá hạn trên 360 ngày.
Nợ xấu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng cho vay. Theo Khoản 8 điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu ngân hàng sẽ thuộc nhóm 3, 4 và 5. Lý do đơn giản khi người vay thuộc vào ba nhóm trên cho thấy khả năng trả nợ, thu hồi vốn rất khó. Thậm chí, khi người vay thuộc nhóm 5 thì chắc chắn khả năng mất vốn là cao nhất.
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về hạn chế khai thác thông tin tín dụng như sau: Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 5 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo đó, thông tin về lịch sử nợ xấu của khách hàng được lưu giữ trong thời gian tối đa 5 năm trên hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam CIC. Do đó, lịch sử tín dụng về nợ xấu sẽ được CIC xóa kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực tức là ngày khách hàng tất toán khoản vay. Vì vậy, cách nhanh nhất để có thể xóa nợ xấu là khách hàng cần thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi suất vay thẻ tín dụng.
“Do đó, dịch vụ xóa nợ xấu trên mạng hiện nay hoàn toàn là lừa đảo và các đối tượng này sẽ có thể bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, tùy từng tình chất, mức độ phạm tội mà sẽ phải chịu mức phạt cao nhất là tù chung thân”, Luật sư nhấn mạnh.
Ngoài ra, Luật sư Hùng cũng khuyến cáo, khi có nợ xấu ngân hàng, mọi người tuyệt đối không nên tin vào những dịch vụ xóa nợ xấu, bởi tất cả thông tin tín dụng liên quan đến một khách hàng sẽ được lưu trữ theo thời gian đúng quy định của pháp luật, không một đối tượng hay cơ quan nào có thể tùy tiện xóa đi được.