ĐBQH lo sân bay Long Thành chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng kéo dài
Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Theo đánh giá của ĐB Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên), khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên để chậm trễ đến 3 năm thì quả là một điều rất đáng báo động. “Thủ tướng cũng đã nhiều lần đích thân đến tận công trình để chỉ đạo, đôn đốc, giải quyết khó khăn nhưng mà tiến độ triển khai vẫn còn rất chậm. Đó là vấn đề rất lớn liên quan đến hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước”-bà Yên băn khoăn, và cho rằng vì chậm tiến độ nên dẫn đến tình trạng Kho bạc Nhà nước đã dừng việc giải ngân cho Dự án do niên độ Dự án (2017-2021) đã kết thúc.
Cũng theo bà Yên, đáng ra cũng phải báo cáo Quốc hội ngay trong năm 2021, chậm nhất là năm 2022 khi đánh giá về khả năng không đạt tiến độ giải ngân chứ không phải là để đến bây giờ mới báo cáo Quốc hội.
“Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc “thay đổi tư duy, cách làm xứng tầm với dự án trọng điểm quốc gia”, và đề nghị làm rõ trách nhiệm khi dự án này triển khai chậm trễ tiến độ. Do đó, tôi và cử tri rất mong muốn được biết các cơ quan liên quan đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đến đâu?”-bà Yên chỉ rõ.
Đề nghị Quốc hội có sự điều chỉnh để hoàn thành trọn vẹn công tác thu hồi đất cho toàn bộ 5.000 ha của dự án, tuy nhiên bà Yên cho rằng, trong các nội dung mà Chính phủ đề nghị điều chỉnh thì việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án cũng nên có kèm theo giải trình cụ thể trách nhiệm của cá nhân và tổ chức có liên quan trong tổng thể đánh giá việc thực thi pháp luật.
Chỉ rõ theo Nghị quyết 53 của Quốc hội thì dự án phải hoàn thành vào cuối 2021, nhưng đã chậm 2 năm và giờ Chính phủ xin kéo dài tới 2024, ĐB Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cũng cho rằng dự án này đã quá chậm. Từ đó bà Sửu đề nghị Chính phủ tính toán, xem xét tiến độ thời gian giải quyết tái định cư, ổn định đời sống của người dân khi giải phóng đất, đền bù và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi để dự án kéo dài như vậy.
ĐB Bùi Xuân Thống (Đoàn Đồng Nai) nhìn nhận rằng, thời điểm tổ chức thực hiện thì địa phương thuộc diện phải thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách do đại dịch nên công việc đóng băng, không thể đi kiểm đếm.
“Dự án quy hoạch hơn 20 năm nên trong thời gian chưa triển khai, người dân có nhu cầu vẫn sang nhượng, mua bán qua nhiều người dẫn đến công tác đo đạc, kiểm đếm gặp khó khăn mà nếu không làm cẩn thận lại dẫn đến khiếu nại. Đầu năm 2022, đứt gãy nguồn cung ảnh hưởng đến các dự án có cấu phần xây dựng tái định cư. Có nhà thầu dù đã bỏ tiền xây dựng 30-40% công trình vẫn bỏ không làm tiếp. Muốn đấu thầu lại thì phải tiến hành bóc tách khối lượng, lên hồ sơ, chưa kể xin điều chỉnh giá nhân công, vật liệu”-ông Thống cho hay.
Là ĐBQH tỉnh Đồng Nai, ông Thống cho biết đi giám sát, khảo sát cũng rất sốt ruột vì thấy rất chậm trong khi Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho đến cuối năm 2021 phải xong.
Cũng theo ông Thống, việc xin kéo dài thời gian đến 2024 chủ yếu để hoàn chỉnh hạ tầng kỷ thuật, còn giải phóng mặt bằng, bồi thường đã gần xong hết.