Ngân hàng 'đau đầu' với nợ xấu
Dù các ngân hàng giảm lãi suất đối với cả khoản vay cũ và khoản vay mới nhưng với nhiều doanh nghiệp (DN), ngay cả trả gốc cũng khó. Nợ xấu đang làm “đau đầu” ngành ngân hàng.
“Dù các ngân hàng giảm lãi suất cả khoản vay cũ và khoản vay mới nhưng với nhiều DN ngay cả trả gốc cũng khó. Các ngân hàng cũng đang triển khai quy định về cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ cho DN nhưng khó khăn sẽ tích tụ lên TCTD trong tương lai” - Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Agribank Chi nhánh Bắc Ninh vừa thông báo bán đấu giá 37 xe buýt từng chạy 5 tuyến tại Hà Nội - là tài sản thế chấp của Công ty TNHH Bắc Hà, tổng giá khởi điểm là gần 13,5 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Công ty Bắc Hà, qua 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, lĩnh vực vận tải bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đợt bùng dịch lần 4 (4/2021), tâm dịch ban đầu là Bắc Giang, nơi Công ty Bắc Hà đặt trụ sở chính. Hoạt động kinh doanh của công ty dừng hẳn trong thời gian dài. Không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải duy trì hoạt động làm cạn kiệt vốn lưu động, vốn vay sử dụng hết dẫn đến mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu như lương, nhiên liệu, sửa chữa, bến bãi cũng như các khoản nợ ngân hàng đến hạn.
Toàn bộ 57 ô tô phục vụ 5 tuyến buýt số 41 đến 45 đều được Công ty Bắc Hà thế chấp tại Agribank Chi nhánh Bắc Ninh để vay vốn kinh doanh. Ngày 24/6/2022, Công ty nhận được thông báo đã nợ quá hạn 55 ngày đối với số tiền gốc hơn 56,511 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 9, Agribank Chi nhánh Tràng An thông báo bán đấu giá lần 4 các khoản nợ liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, có tài sản đảm bảo là các lô đất thuộc dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (Phú Quốc). Chi nhánh ngân hàng này trước đó thông báo bán đấu giá loạt tài sản của CTCP Sản xuất và Thương mại THM-CONCRETE thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đây là tài sản được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của công ty tại Agribank. Giá trị của khoản nợ tính đến thời điểm 1/12/2022 là 28,258 tỷ đồng và bị Agribank xếp vào nợ nhóm 5 (nợ không có khả năng thanh toán).
Khó khăn của các DN và cả nền kinh tế đã dẫn đến các khoản nợ xấu.
Tỉ lệ nợ xấu ở mức 2% hồi đầu năm tăng lên 3,56% ở thời điểm cuối tháng 7, tương đương hơn 440.000 tỉ đồng, theo Ngân hàng Nhà nước.
Nếu tính cả nợ xấu nội bảng (những khoản nợ xấu đang được theo dõi trong nội bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng) cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng... tỉ lệ nợ xấu là 6,16%, tương đương 768.000 tỉ đồng.
Báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội liên quan nội dung xử lý nợ xấu cho biết, hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục chịu áp lực khi diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều điểm bất lợi, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng.
Hơn nữa, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn khi khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện; thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản…
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho hay tình hình kinh tế khó khăn khiến nợ xấu tăng đang là vấn đề đau đầu của ngành ngân hàng. Dù các ngân hàng giảm lãi suất cả khoản vay cũ và khoản vay mới nhưng với nhiều DN ngay cả trả gốc cũng khó. Các ngân hàng cũng đang triển khai quy định về cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ cho DN nhưng khó khăn sẽ tích tụ lên TCTD trong tương lai.
Theo ông Hùng, khó khăn lớn nhất hiện tại là khả năng hấp thụ vốn của DN rất yếu trong bối cảnh thị trường, sức mua kém nên dù lãi suất có giảm thêm DN cũng chưa chắc có nhu cầu vay. Do đó, cùng với việc cơ cấu lại nợ quá hạn, cần giải quyết bài toán đầu ra và doanh thu của DN để có dòng tiền duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và trả được lãi vay ngân hàng.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho rằng, thời gian qua, thị trường trái phiếu và bất động sản khó khăn ảnh hưởng khả năng thanh khoản. Một số DN vừa vay vốn tại TCTD, vừa phát hành trái phiếu DN nên khi khó huy động vốn từ kênh trái phiếu dẫn đến không có dòng tiền bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu để trả nợ.
Bên cạnh đó, DN, cá nhân đầu tư trái phiếu DN không được trả gốc và lãi theo cam kết nên ảnh hưởng đến nguồn thu, thiếu vốn để tiếp tục đầu tư, ảnh hưởng đến tình hình tài chính nói chung và đến các khoản trả nợ vay TCTD nói riêng.
Thị trường bất động sản thanh khoản thấp cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi nợ xấu của các TCTD.