Thích ứng với 'tăng trưởng xanh'

Duy Khang 29/10/2023 10:47

Ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng nghĩa cộng đồng doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, hướng đến một nền sản xuất bảo vệ môi trường. Nắm bắt thông điệp này, các doanh nghiệp đang nỗ lực thích ứng.

Đẩy mạnh xanh hóa để thích ứng với yêu cầu của thời kỳ mới. Ảnh: Việt Khánh.

“Xanh hóa” là tất yếu

Hiện hầu hết các nền kinh tế đều đã đặt ra những tiêu chuẩn liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nên “luật chơi mới” cho các doanh nghiệp (DN) trong quá trình hội nhập.

Giờ đây, những khái niệm “chuyển đổi xanh”, “xanh hóa”, “hữu cơ”... đã ngày càng trở nên gần gũi, quen thuộc với cộng đồng DN. Điều này cũng dễ hiểu, bởi thời gian qua, thị trường trong và ngoài nước liên tục đưa ra những quy định mới liên quan tới sản xuất xanh, tăng trưởng xanh đòi hỏi DN sản xuất cần có những giải pháp thích ứng.

Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, chưa bao giờ từ khóa “xanh” và “phát triển bền vững” lại có tính áp đặt mạnh mẽ như hiện nay. Nếu không chuyển đổi, DN sẽ không thể tồn tại, vì nếu không xanh, sẽ không tiêu thụ được hàng hóa, sản phẩm.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU. EU cũng nêu rõ các nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai.

Nhiều năm trở lại đây, xu hướng “xanh hóa” ngành dệt may được các DN nhắc đến nhiều hơn. Đây là yêu cầu thúc đẩy phát triển ngành dệt may theo hướng bền vững nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường.

Công ty Cổ phần Tập đoàn gai Thiên Phước, Thanh Hóa hiện đang có khoảng 3.800ha vùng trồng cây gai xanh trên 12 tỉnh, thành. Sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên là lợi thế giúp sản phẩm dệt may Việt Nam tiếp cận đến nhiều thị trường khó tính. "Sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, các khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn trong danh sách các nhà cung ứng. Những nhà cung ứng nào mà đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ có cơ hội ký đơn hàng dài hạn", đại diện công ty cho biết.

Nhiều DN ngành may mặc cũng đang nỗ lực với yêu cầu xanh hóa, tăng trưởng xanh của các đối tác. Không chỉ DN may, xác định những yêu cầu mới của thị trường trong ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng, thời gian qua các DN trong ngành hóa chất đã phải đầu tư nâng cấp công nghệ, cá biệt đã có một vài DN phải đầu tư mới hoàn toàn dây chuyền sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Đạt (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), Tập đoàn đã triển khai một số nhiệm vụ giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính; tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; thực hiện thu hồi và lưu giữ carbon cũng như đầu tư các hệ thống chuyển dịch năng lượng.

Cụ thể các cam kết quốc tế như: giảm phát thải dòng bằng 0; giảm phát thải metan toàn cầu cũng như chấm dứt tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới,… là những cam kết sẽ ảnh hưởng đến các DN của Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Sỹ Linh - Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), quy định trong Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trước mắt có 5 mặt hàng chính liên quan đến phân bón, xi măng, sắt, thép,… sẽ bị điều chỉnh về carbon và đánh thuế carbon. Do dó, DN sản xuất muốn tham gia xuất khẩu cần chuyển đổi theo hướng sản xuất ít phát thải, hoặc phát thải carbon thấp để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu đề ra.

“Thị trường châu Âu đã quy định liên quan đến dấu vết carbon và chuyển dịch năng lượng. Ngành dệt may của Việt Nam trong thời gian qua chịu ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng dịch chuyển sang thị trường Bangladesh, khi họ đã chuyển dịch năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và ít phát thải hơn”, ông Linh cảnh báo.

Đẩy mạnh đầu tư

Cùng đồng hành với các DN, nhà quản lý cũng đang có nhiều động thái để thúc đẩy nền kinh tế theo hướng sản xuất xanh.

Ngày 14/12/2022, Bộ Công Thương đã phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành công thương nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành.

Ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) đưa ra 3 nội dung lớn, nhiệm vụ mang tính chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành, đó là thích ứng; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hướng đến tăng trưởng xanh.

“Ngành công thương sẽ phải xác định những giải pháp để làm sao xanh hóa ngành công nghiệp. Những ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn như ngành điện, dệt may, sắt thép, hóa chất… sẽ phải thực hiện tăng trưởng xanh. Việc thực hiện các giải pháp về tăng trưởng xanh đòi hỏi có những giải pháp mang tính tổng thể, tích hợp, ví dụ như các biện pháp về sản xuất tiêu dùng bền vững, các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sẽ được áp dụng trong tất cả các ngành, lĩnh vực”, ông Tâm cho biết.

Giới chuyên gia khuyến nghị, trong dài hạn, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Việt Nam sẽ cần xây dựng, ban hành thêm khung pháp lý, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Các DN cần thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, cần có giải pháp giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu; ứng dụng nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.

Song song đó, nhà quản lý cần quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, các DN sẽ thích ứng và tận dụng được hiệu quả các cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu, bắt kịp xu hướng phát triển trong hội nhập quốc tế.

Duy Khang