Giải bài toán nước sạch: Vẫn còn nhiều nan giải
Thời gian qua, không ít chung cư ở các khu đô thị mới cũng như khu dân cư nội thành, ngoại thành Hà Nội phải sống trong tình cảnh khan hiếm nước sinh hoạt. Đáng lưu ý, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) đã kéo dài nhiều ngày, hàng vạn cư dân mỗi ngày vẫn chờ hứng từng xô nước từ xe téc đến cấp tạm. Không riêng Hà Nội, một số đô thị lớn cũng đang xoay xở với nỗi khổ thiếu nước sạch sinh hoạt. Vậy làm gì để giải được bài toán “khát” nước sạch đáp ứng nhu cầu của người dân. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam.
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về thực trạng phát triển của ngành nước thời gian qua?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Về cấp nước, hiện nay có khoảng 250 doanh nghiệp cấp nước đô thị, trong đó có 50% chuyển từ công ty trách nhiệm một thành viên sang công ty cổ phần, có 8 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình trách nhiệm một thành viên. Tổng số hơn 750 nhà máy nước sạch khu vực đô thị và nông thôn có tổng công suất 11,2 triệu m3. Tỉ lệ dân cư được cung cấp nước sạch là 92%, tỉ lệ thất thoát nước khoảng 17%. Nếu so với 30 năm trước, năm 1988, tổng công suất các nhà máy nước cả nước là 1,67 triệu m3/ngày hiện là 11,2 triệu m3/ngày tăng 7 lần. Phạm vi cấp nước khu vực đô thị mở rộng tăng 2 lần, tỉ lệ thất thoát từ 40% xuống còn khoảng 17%. Nếu nhìn tổng thể ngành cấp nước thì lạc quan hơn, có sự phát triển vượt bậc và mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu phát triển đất nước.
Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế nhất định đặc biệt là chất lượng nước hoặc vùng phục vụ cấp nước một số khu vực chưa bao quát đầy đủ. Chất lượng của dịch vụ cấp nước sạch cho người dân cũng còn có những cũng khu vực chưa đáp ứng nhu cầu, mục tiêu chiến lược đề ra.
Việc này do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về cơ chế, chính sách, có vấn đề về tổ chức thực hiện và trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, cũng như có trách nhiệm của doanh nghiệp. Chính sách về đầu tư, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, chính sách về tài chính ngành nước, chính sách cổ phần hóa... cho ngành nước bao gồm cả sản xuất kinh doanh nước sạch và thu gom xử lý nước thải vẫn còn nhiều chỗ bất cập
Giá nước chậm điều chỉnh có phải là rào cản nâng cao chất lượng nước?
- Giá nước hiện nay đang áp dụng theo quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP “giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước”. Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành điều chỉnh Thông tư số 44/2021/TT-BTC hướng dẫn khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, nhưng hiện nay giá nước thực tế nhiều nơi còn chưa được tính đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật, bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh để thực hiện các hoạt động như thực hiện cấp nước an toàn, đấu nối và duy trì đấu nối, quản lý rủi ro, số hóa ngành nước, lợi nhuận và việc điều chỉnh giá dịch vụ cấp nước còn kéo dài.
Giá nước phụ thuộc nhiều yếu tố đầu vào như nước thô, điện, hóa chất sử dụng quán trình xử lý... Trong khi đó, điện chiếm chi phí lớn nhưng trong 10 năm gần đây, giá điện đã tăng cao, giá hóa chất biến động lớn mà giá nước sạch đầu ra thì lại chưa tăng hoặc tăng chưa đủ. Nhiều địa phương 7-8 năm nay chưa điều chỉnh giá nước sạch. Có thể thấy sự bất cập là các yếu tố đầu vào sản xuất nước phụ thuộc và mang tính thị trường nhưng giá đầu ra lại chưa được chính quyền các địa phương điều chỉnh kịp thời.
Tại Hà Nội, Sở Tài chính đã tính toán cho thấy tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chỉ chiếm 0,72%. So sánh chi tiêu với các nhu cầu khác như viễn thông, truyền hình... thì chi phí cho nước sạch là thấp. Gọi 1 cuộc điện thoại có thể tương đương vài ba khối nước và giá cước tăng giảm 10-30% ít được chú ý nhưng giá nước tăng lên một chút là thấy có vấn đề. Về giá dịch vụ xử lý nước thải ra môi trường cũng là vấn đề quan tâm. Cần phải tính toán thu phí xử lý nước thải mới bảo đảm gìn giữ được môi trường.
Cơ chế thu hút đầu tư thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực thoát nước. Việc thu phí môi trường với 10% giá nước sạch nếu dành toàn bộ là chưa đủ cho duy trì hoạt động vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, chưa tính đến việc đầu tư, cải tạo hệ thống thoát, xử lý nước thải. Nếu không quan tâm thì tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Với riêng Hà Nội, nước sạch sinh hoạt ngày càng thiếu trầm trọng. Gần đây nhất là cơn khát nước sạch của hàng vạn ở khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai). Hiện đang có ý kiến cho rằng, cần dừng ngay nguồn nước ngầm, tăng cấp nước sạch cho khu đô thị Thanh Hà. Nhưng việc cấp nước sạch lại đòi hỏi sự đầu tư lớn. Ý kiến của ông?
- Theo nghiên cứu, gần như toàn bộ nước ngầm ở Hà Nội, đặc biệt khu vực các quận, huyện phía nam Hà Nội như: Hoàng Mai, Thanh Trì, Thanh Oai… đều được khai thác tầng nông ở độ sâu dưới 100m, là tầng nước dễ bị ảnh hưởng do ô nhiễm nước mặt (do thấm). Bên cạnh các nguyên nhân tự nhiên, thì hiện tượng ô nhiễm amoni ở các khu vực này là bằng chứng cho thấy, do quá trình khai thác nước ngầm thông qua các giếng khoan hàng trăm năm qua, khi không còn sử dụng, việc đóng giếng không đúng quy định, dẫn đến ô nhiễm thông các tầng nước ngầm mạch nông vốn đã bị ô nhiễm nặng bởi nước thải xuống các tầng nước khai thác công nghiệp ở phía dưới. Đặc biệt địa hình Hà Nội thấp dần với vùng trũng là các địa phương phía nam, càng gia tăng mức độ ô nhiễm.
Trong định hướng cấp nước của Thủ đô đã xác định sử dụng nguồn nước mặt từ các sông chính, các hồ lớn trong vùng với việc xây dựng các nhà máy nước lớn cấp nước cho Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội đã đầu tư một số nhà máy nước mặt như: sông Đà, sông Đuống, sông Hồng,... đủ sức cung ứng nước sạch cho sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, Hà Nội cần điều hành và có chính sách, cơ chế phối hợp các nhà máy sử dụng nước mặt và nước ngầm theo hướng giảm dần các nhà máy nước sử dụng nước ngầm.
Vậy ngành cấp thoát nước đang gặp khó ở đâu trong vấn đề cải thiện nguồn cung ứng nước sinh hoạt cho người dân, thưa ông?
- Tôi cho rằng, hiệu lực các văn bản pháp lý chưa cao, nhiều quy định về ưu đãi hỗ trợ có trong văn bản nhưng chưa hoặc không thực hiện được do các quy định không có hướng dẫn và chồng chéo; các quy định về cổ phần hóa và quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn thiếu hoặc chưa hợp lý. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến ngành cấp thoát nước chưa đầy đủ, chưa sửa đổi, bổ sung cập nhật các thực tiễn khách quan hoặc ban hành mới để phù hợp với yêu cầu và tình hình mới.
Lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải chưa được quan tâm đúng mức trong khi tỉ lệ nước thải được xử lý đạt rất thấp, hầu hết nước thải sinh hoạt được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của nhân dân; việc đầu tư lại thiếu đồng bộ, manh mún. Vì vậy sớm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành cấp thoát nước là cấp thiết. Nói cụ thể hơn thực tế hiện nay, ngành cấp, thoát nước chưa có một văn bản pháp lý ở cấp luật để thống nhất điều chỉnh các hoạt động liên quan đến ngành cấp, thoát nước. Hiện các Nghị định đã ban hành cách đây hơn 15 năm đã không còn phù hợp. Việc ban hành Luật Cấp, thoát nước là cơ hội mới cho việc phát triển các doanh nghiệp cấp nước, thoát nước. Chúng ta rất cần có một chính sách, thể chế rõ ràng đặc biệt cần có cơ chế thu hút đầu tư, vận hành thu gom, xử lý nước thải.
Giải pháp cụ thể là gì, thưa ông?
- Có rất nhiều vấn đề đặt ra. Đầu tiên chúng ta cần có hành lang pháp lý chặt chẽ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước. Thêm nữa là mô hình, chúng ta thực hiện cổ phần hóa hay mô hình nào đó phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bên cạnh đó, giá nước là một yếu tố hết sức quan trọng vì nước là một hàng hóa đặc biệt và được chính quyền địa phương quy định giá nước. Nhưng hiện nay việc tính đúng tính đủ chưa đáp ứng đầy đủ nên các doanh nghiệp cấp thoát nước rất khó khăn. Ngoài ra còn nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, đến đầu tư, đấu thầu, vùng phục vụ dự án. Tuy nhiên, vấn đề này các bộ, ngành đã thảo luận tương đối kỹ. Tôi hy vọng đến năm 2025 sau khi Quốc hội thông qua Luật Cấp, thoát nước, các doanh nghiệp cấp thoát nước Việt Nam sẽ có cơ hội vận hành đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó được Chính phủ hỗ trợ cơ chế để các doanh nghiệp đủ sức đáp ứng vươn lên ứng dụng khoa học công nghệ mới, đáp ứng được nhu cầu nước cho người dân và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trân trọng cảm ơn ông!