Tăng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được khuyến nghị phải tìm lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu thông qua quản lý chất lượng và áp dụng thương mại điện tử.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa giữa “bão”
TS Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) cho hay, nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh đang gặp khó khăn khi thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu đều giảm sút.
Từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều DN cắt giảm thời gian làm việc, giảm quy mô sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Sinh - Tổng Giám đốc Công ty CP may Minh Anh Nghệ An cho biết, DN của ông chủ yếu xuất khẩu hàng đi Mỹ, gần đây có thêm thị trường Đức nhưng số lượng xuất khẩu không đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực DN nhỏ và vừa đạt tốc độ cao nhưng chưa thật sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mặt khác, năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của các DN nhỏ và vừa còn thấp và chậm được cải thiện, nhất là đối với các mặt hàng chế biến, chế tạo. Hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu.
DN nhỏ thiếu, yếu về các chiến lược và quản trị, không có chiến lược kinh doanh bài bản theo hướng khai thác lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế.
Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, tiềm năng, cơ hội để phát triển hoạt động xuất khẩu là rất lớn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu, ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới. Cách mạng Công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số, xu thế phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử…là những động lực quan trọng cho phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, là những cơ hội lớn để mỗi quốc gia mang sản phẩm, hàng hóa đến với toàn thế giới, giảm dần phụ thuộc vào một vài thị trường.
Tuy nhiên, theo bà Tâm, thực tế cũng còn không ít những thách thức đối với các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam về năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hóa, các quy định cần tuân thủ của các thị trường xuất nhập khẩu, khó khăn của DN trong việc tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường mới, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng các thị trường xuất nhập khẩu.
Tìm lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh xuất khẩu trực tiếp suy giảm, xu hướng chung là đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử nhưng cộng đồng DN nhỏ và vừa thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến; khó khăn trong việc tạo dựng được niềm tin với khách hàng; nhiều DN chưa nắm được các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cần tuân thủ của các quốc gia nhập khẩu.
Hơn nữa, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc của DN nhỏ và vừa chưa chuẩn hóa về nội dung và hình thức, chưa đáp ứng đúng yêu cầu truy xuất; DN chưa thực sự tập trung đầu tư chăm sóc, xây dựng các gian hàng chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử để tối ưu doanh thu và tiếp cận khách hàng...
Bà Nguyễn Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển, Trưởng ban An toàn thực phẩm, Công ty TNHH Peroma Việt Nam cho hay, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm là điều kiện cơ bản và bắt buộc đối với ngành công nghiệp thực phẩm. Đặc biệt, việc này giúp DN tăng tính cạnh tranh và tiếp cận thị trường quốc tế, giúp DN đảm bảo uy tín thương hiệu và tiếp cận khách hàng toàn cầu.
Hiện Peroma Việt Nam đang áp dụng các hệ thống quản lý tích hợp như Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP); Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO 9001:2015; Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo Hiệp hội chứng nhận An toàn thực phẩm (FSSC 22000)... Nhờ đó, các sản phẩm hương liệu thực phẩm, nguyên liệu tự nhiên… do công ty sản xuất đã được xuất khẩu sang Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ và nhiều thị trường khác.
TS Mạc Quốc Anh cũng cho rằng, chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất khi yêu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng ngày càng cao. Để tăng cường khả năng xuất khẩu, cùng với các giải pháp sáng tạo về tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường, các DN nhỏ và vừa nên tìm cơ hội hợp tác với các DN lớn để tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm cũng như cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. Bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu lớn tăng biện pháp bảo hộ thương mại đòi hỏi các DN phải có phương thức ứng phó, nên nếu DN nhỏ và vừa "đi một mình" thì khó có thể "đương đầu".