Tháng 10, CPI tăng 0,08% so với tháng trước
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,08% so với tháng trước do một số địa phương tăng học phí và giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/10.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng 3,59% so với cùng kỳ 2022, tăng 3,2% so với tháng 12/2022. Bình quân 10 tháng 2023, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản (chỉ số đo mức lạm phát loại trừ một số mặt hàng dễ thay đổi giá như lương thực và năng lượng) tăng 4,38%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,08% của CPI tháng 10/2023 so với tháng trước, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,25% (làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm); trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,54% do một số địa phương tăng học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,27% (làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm) do giá gas tăng 4,72%; giá nước sinh hoạt tăng 0,48%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,29%. Ở chiều ngược lại, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,09% do giá thép giảm; giá điện sinh hoạt giảm 0,79% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi vào mùa mưa; giá dầu hỏa giảm 0,58% chủ yếu do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 2, 11 và 23/10.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%, chủ yếu là mặt hàng chăm sóc cơ thể, tăng 0,22%; đồ trang sức tăng 0,64%; đồng hồ đeo tay tăng 0,53%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0,49%...
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15% do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá đô la Mỹ tăng. Cụ thể, giá rượu bia tăng 0,2%; nước quả ép tăng 0,17%; nước giải khát có ga tăng 0,05% và thuốc hút tăng 0,04%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%; trong đó, lương thực tăng 0,9%; thực phẩm giảm 0,14%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11% chủ yếu giảm ở nhóm thiết bị điện thoại (0,31%). Nhóm giao thông giảm 1,51% (làm CPI chung giảm 0,15 điểm phần trăm). Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng giảm 4,59%; giá dầu diezen giảm 0,73%; giá ô tô mới, xe máy và ô tô đã qua sử dụng lần lượt giảm 0,12%; 0,02% và 0,11%.
Trong tháng 10, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/10, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.909,36 USD/ounce, giảm 2,11% so với tháng 9. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 10 tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 8,28% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 2,81%.
Tính đến ngày 25/10, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 106,02 điểm, tăng 1,35% so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.582 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10 tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng 2023 tăng 2,24%.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,2%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 10 tháng 2023 giảm 13,24% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,55% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.