Tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương TPHCM: Vì sao liên tục điều chỉnh dự án?
Tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương (Tuyến Metro số 2) tại TPHCM là dự án nhóm A, thuộc dự án quan trọng của quốc gia, công trình đường sắt đô thị, cấp đặc biệt, với số vốn đầu tư hơn 47 nghìn tỷ đồng, nhưng việc liên tục điều chỉnh dự án này làm cho dư luận và người dân băn khoăn.
Liên tục điều chỉnh
Tháng 10/2010, UBND TPHCM phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Nhưng sau 13 năm triển khai, TPHCM đã nhiều lần điều chỉnh dự án này. Cụ thể, tháng 5/2013, UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tuyến Metro số 2, điều chỉnh cơ cấu vốn. Đến tháng 11/2019, UBND TPHCM tiếp tục phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng tuyến Metro số 2. Mới đây nhất, ngày 16/10/2023, UBND TPHCM lại tiếp tục ký quyết định điều chỉnh dự án, lần này thời hạn đưa vào khai thác tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương vào năm 2030.
Lần điều chỉnh này, UBND TPHCM giao Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, tính chính xác số liệu, tài liệu trong hồ sơ. Kiện toàn, tăng cường hoàn thiện bộ máy quản lý, năng lực của chủ đầu tư, có giải pháp tổ chức điều hành khoa học, quyết liệt trong công tác quản lý điều hành dự án…
Tuy nhiên, trong báo cáo khẩn gửi UBND TPHCM, Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án tuyến Metro số 2 đặt ra nhiều vấn đề, một số nội dung cần làm rõ, yêu cầu MAUR khẩn trương bổ sung, giải trình. Bởi lẽ, dự án tuyến Metro số 2 có tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia, với đặc thù quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, có sử dụng vốn vay nước ngoài.
Việc dự án nhiều lần gia hạn thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến mục tiêu đầu tư, tình hình phát triển giao thông TPHCM theo quy hoạch. Trong đó có nguyên nhân từ kinh nghiệm hạn chế của chủ đầu tư trong việc quản lý, thực hiện hợp đồng (trong đó có hợp đồng quốc tế), năng lực chưa đáp ứng được khối lượng rất lớn các công việc của dự án.
Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án tuyến Metro số 2 cũng yêu cầu MAUR phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu. Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận 3, UBND quận Tân Bình cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải quyết triệt để các khó khăn vướng mắc liên quan đến pháp lý, chính sách bồi thường,…
Nhiều nỗi lo
Những nguyên nhân dẫn đến kéo dài dự án được cơ quan chức năng xác định như: Tranh chấp, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với hợp đồng tư vấn thực hiện dự án (Tư vấn IC), đơn vị tư vấn không tiếp tục thực hiện các công việc theo hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng, dẫn đến phải tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn mới…
Bên cạnh đó, dự án xây dựng tuyến Metro số 2 được phê duyệt lần đầu vào năm 2010. Do đó, vẫn tiềm ẩn các nguy cơ về lạc hậu công nghệ (thông tin tín hiệu, thẻ vé), việc quản lý, khai thác, vận hành đồng bộ với các tuyến đường sắt đô thị, các loại hình giao thông công cộng khác của TPHCM. Do đó cần nhận diện đầy đủ, chặt chẽ, khoa học để có giải pháp hợp lý, tránh phát sinh chi phí khi cập nhật công nghệ mới.
Ông Trần Văn Đức (người dân có nhà tại đường Trường Chinh, quận Tân Bình, nơi có dư án Metro số 2 đi qua) cho biết: Cách đây gần 4 năm, ông là Tổ trưởng tổ dân phố 5, ông là người vận động nhân dân ở khu phố này di dời giải tỏa để lấy mặt bằng làm tuyến Metro, thành phố còn có giấy khen ông Đức là thành viên tích cực của Ban đền bù giải tỏa công trình Metro. Từ năm 2019, chính quyền tiến hành giải tỏa, gia đình ông là một trong những hộ dân đầu tiên chấp hành chủ trương. Nhà ông Đức bị ảnh hưởng 11m tính từ đường Trường Chinh vào. “Trước đây, gia đình tôi có kinh doanh quán ăn, sau khi giải tỏa thì không buôn bán được nên mất nguồn thu nhập, đời sống rất khó khăn nhưng tôi vẫn ủng hộ chủ trương của Nhà nước thực hiện tuyến Metro, nhưng chờ mãi đến nay không thấy thi công” - ông Đức nói.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, tại dự án tuyến Metro số 2, nhiều khu vực ở Tân Bình, Tân Phú, quận 10 và quận 3 đã được giải phóng mặt bằng, nhưng thiếu đồng bộ. Cùng trên một khu phố nhưng có gia đình đã chấp nhận dọn đi nơi ở mới, có gia đình cải tạo sửa chữa lại phần diện tích không bị giải tỏa để bám trụ lại…
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Việc lùi thời gian hoàn thành là điều tốt, vì hiện nay Metro số 1 còn chưa xong. Đó là chưa kể khi vận hành thì cần thêm nhiều yếu tố đi theo, ví dụ như các tuyến xe buýt để kết nối nhà ga, cần các bãi xe, những trạm dịch vụ… hiện nay TPHCM chưa làm. Do vậy, ông Sơn cho rằng, TPHCM nên tập trung làm tuyến nào cho xong tuyến đó, phải sử dụng được, còn thông báo vận hành mà không sử dụng được thì cũng không có tác dụng.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM: Điều chỉnh quá trình hoàn thành là việc bất đắc dĩ, ảnh hưởng đến mục tiêu của TPHCM liên quan đến hạ tầng giao thông (giảm ùn tắc, giảm phương tiện cá nhân, giảm tai nạn). Tuy nhiên dù có ảnh hưởng bởi những lý do khách quan thì TPHCM cũng cần phải xem lại nguyên nhân chậm trễ do chủ quan đến từ đâu.
Tuyến Metro số 2 là dự án nhóm A, thuộc dự án quan trọng của quốc gia, công trình đường sắt đô thị, cấp đặc biệt. Tuy nhiên Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM liên tục báo cáo, đề xuất UBND TPHCM điều chỉnh dự án khiến dư luận và người dân đặt vấn đề về năng lực quản lý dự án trong thời gian qua.