Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Đẩy lùi tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số
Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì nhiều nơi các cô bé hay cậu bé đã kết hôn rồi trở thành những người bố, những người mẹ khi ở cái tuổi còn non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Vòng luẩn quẩn của tảo hôn
Vừa qua tuổi 40, chị Vàng Thị Mỵ - thôn Pù Lùng 2, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã lên chức bà nội được vài năm. 2 cô con dâu của chị đều được cưới về từ lúc mới 16 - 17 tuổi. Vì lấy chồng sớm nên chưa tròn 20 tuổi, 2 cô con dâu của chị Mỵ đã một nách hai con. Vì các con ít tuổi nên chị Mỵ cũng phải đỡ đần nhiều việc, vì thế kinh tế đã khó giờ lại càng khó khăn hơn.
Thay vì ngồi trên ghế nhà trường, giờ đây các con dâu của chị Mỵ lại phải quay cuồng lo toan “cơm áo, gạo tiền”. Không có việc làm ổn định, cuộc sống vất vả, nghèo đói bủa vây.
Vàng Thị Mai (con dâu của chị Mỵ) buồn bã nói, cháu vẫn còn muốn đi học, nhưng bây giờ thì không được nữa rồi. Nhìn thấy các bạn đi học, cháu khóc nhiều lắm, giá mà khi đó cháu suy nghĩ chín chắn hơn thì bây giờ sẽ không phải khổ như thế này.
Hiện nay Mai ở nhà vừa trông con, vừa làm việc rất vất vả, trong khi con nhỏ lại hay ốm đau. Vì không có tiền mua thuốc chữa bệnh cho con nên vợ chồng Mai thường xuyên cãi nhau.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, năm 2022 cả tỉnh có 76 vụ tảo hôn. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn bởi nhiều em về sống với nhau mà không khai báo với chính quyền địa phương do kết hôn khi chưa đủ tuổi. Cũng từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có tới 10 trường hợp hôn nhân cận huyết ở các thôn vùng cao, vùng sâu, vùng xa huyện Pác Nặm, Ba Bể, Chợ Đồn…
Để giảm thiểu tiến tới ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2015 -2025, các mục tiêu cụ thể đã được đề ra, giảm từ 2% - 3% các cặp tảo hôn. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Triển khai đề án của Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, giáo dục; đồng thời phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương cùng vận động con em mình. Nhờ đó, tỷ lệ tảo hôn giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, để có thể xóa bỏ hoàn toàn thì vẫn là một chặng đường dài.
Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền
Bà Triệu Thị Thu Phương - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện nay tỉnh đã thành lập 11 mô hình điểm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Để có được điều kiện tuyên truyền cũng như hình thức tuyên truyền phù hợp, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng cuốn sổ tay về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cung cấp định kỳ hàng tháng cho các mô hình này để các thành viên có tài liệu tuyên truyền đến các thôn.
Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với trường học và đoàn thanh niên tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Thay vì trước đây chỉ tổ chức hội nghị, phổ biến các Luật liên quan nhưng bây giờ thay đổi bằng hình thức sân khấu hóa nên nhận được sự hưởng ứng rất cao, kể cả bà con nhân dân cũng như các đối tượng trong độ tuổi vị thành niên.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) thì cần có các biện pháp phù hợp với thực tế ở địa phương và một cách tiếp cận đa ngành, toàn diện. Đặc biệt, chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng, dễ tiếp cận, đảm bảo giáo dục giới tính toàn diện là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cải thiện khả năng tiếp cận của trẻ em và thanh thiếu niên tới giáo dục với thông tin các dịch vụ, tư vấn tâm lý cũng góp phần quan trọng. Từ đó, trao quyền cho trẻ em gái, đặc biệt là các trẻ em gái vùng DTTS.