Nhân rộng mô hình 'Trường học hạnh phúc'
Năm học 2023-2024 được ngành giáo dục xác định là năm trọng tâm đổi mới và việc xây dựng những “ngôi trường hạnh phúc” là nhiệm vụ lớn.
Những trái ngọt
Là một trong những trường học đầu tiên của quận Ba Đình, Hà Nội triển khai thí điểm dự án trường học hạnh phúc từ tháng 8/2022, đến nay cả giáo viên và phụ huynh, học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh đều nhận thấy những thay đổi rõ nét khi áp dụng trong thực tiễn.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền kể trong lớp học của mình có học sinh rất hay quên vở bài tập. Thay vì trách mắng học trò, cô chú tâm dặn dò. Những lời nhắc nhở nhẹ nhàng giúp học sinh ghi nhớ, sau đó đã không còn tình trạng học sinh quên sách vở, đồ dùng học tập.
Ở huyện Kim Động (Hưng Yên), Trường THPT Đức Hợp cũng đưa vào thực hành mô hình trường học hạnh phúc với những thành công bước đầu. Mọi hoạt động của nhà trường được công khai, minh bạch. Giáo viên và học sinh là chủ thể trong mọi hoạt động, cùng bàn bạc, cùng thảo luận, xem việc xây dựng nhà trường vững mạnh là trách nhiệm của mỗi giáo viên, nhân viên, học sinh và nhân dân địa phương. Chất lượng đội ngũ giáo viên, năng lực học sinh được nâng lên, nhiều giáo viên được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Cô Trần Thị Thúy, giáo viên bộ môn tiếng Anh đoạt giải đặc biệt tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu và là một trong 50 giáo viên xuất sắc nhất thế giới do tổ chức Vakey bình chọn và được Hội đồng Anh tại Việt Nam bổ nhiệm là đại sứ STEM (mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn).
Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp Hà Quang Vinh cho biết, ông luôn trăn trở làm thế nào để mỗi thầy giáo, cô giáo được hạnh phúc, để họ có thể mang đến hạnh phúc cho học sinh. Cả thầy và trò cùng nhau tổ chức, triển khai các hoạt động, các biện pháp cụ thể để xây dựng trường học hạnh phúc, để mô hình không chỉ nằm trên giấy, hay khẩu hiệu mà thực sự được triển khai, phát huy trong thực tế. Hiệu trưởng, người đứng đầu nhà trường, phải khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo. Sự thành công và hạnh phúc của học sinh, giáo viên là thành công và niềm vui của hiệu trưởng.
Nhân lên những điều tốt đẹp
Đến nay, không chỉ những ngôi trường được chọn thí điểm triển khai trường học hạnh phúc, mô hình này đã lan ra khắp cả nước, nhiều giáo viên, nhiều hiệu trưởng đã chủ động tìm hiểu về mô hình dù chưa thực sự được tập huấn, nâng cao năng lực, tri thức, thực hành về giáo dục cảm xúc xã hội thông qua những hội thảo, tài liệu.
Đặc biệt, trước vấn nạn bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng, nhiều địa phương đã xác định tầm quan trọng của việc xây dựng trường học hạnh phúc trong việc giúp ngăn ngừa, hạn chế tối đa những hiện tượng thiếu chuẩn mực của nhà giáo, học sinh, những hành vi chưa đẹp trong trường học.
Sở GDĐT TP HCM cho biết đang xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc với mục đích động viên, tuyên truyền, khuyến nghị, đồng thời là căn cứ để từng nhà trường, từng cán bộ, giáo viên, nhân viên soi chiếu và phấn đấu. Bộ tiêu chí bao gồm tiêu chí tổng thể và cụ thể của từng cấp học. Hiện nay, tiêu chí của cấp học mầm non đã được ban hành; tiêu chí của các cấp học khác đang được xây dựng.
Ngày 16/10 vừa qua, Sở GDĐT TPHCM ban hành 18 tiêu chí trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, gồm: 6 tiêu chí về con người, 8 tiêu chí về dạy học và hoạt động giáo dục, 4 tiêu chí về môi trường. Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay, việc xây dựng và triển khai bộ tiêu chí được thực hiện từng bước, cẩn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trường học. Tới đây, hằng năm sẽ khảo sát cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về cảm nhận hạnh phúc khi đến trường giảng dạy, học tập và sinh hoạt, tuyệt đối không hành chính hóa, không đưa vào tiêu chí thi đua để tạo áp lực cho giáo viên.
Bày tỏ sự ủng hộ với các địa phương, ngành giáo dục trong việc quan tâm xây dựng trường học hạnh phúc, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đề xuất, ngay từ trong trường sư phạm, chương trình đào tạo sinh viên nên dành một học phần từ năm thứ nhất, về đào tạo kỹ năng cảm xúc xã hội. Đến khi ra trường, giáo viên đã có sẵn kỹ năng này và dễ dàng truyền tải đến thế hệ sau.