Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 335 triệu USD/năm và có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu là thị trường nhập khẩu chính các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam.
Giàu tiềm năng
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau hơn 3 năm triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam đạt trên 335 triệu USD/năm, có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu là thị trường nhập khẩu chính.
Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, đến nay, cả nước có 7.310 nông dân đang tham gia sản xuất hữu cơ, 60 đơn vị kinh doanh và phân phối, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Việt Nam đứng thứ 7 trong các nước châu Á về diện tích đất nông nghiệp hữu cơ và thứ 3 trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, kết quả trên còn rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Đáng chú ý, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) hiện còn yếu; chi phí đầu tư để sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao hơn nhiều so với nông nghiệp thông thường. Đặc biệt châu Âu hiện đang là thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm hữu cơ của Việt Nam tuy nhiên so với nhu cầu thì nông sản Việt Nam tại thị trường còn rất khiêm tốn.
Xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó chủ yếu đến từ một số ít mặt hàng như cà phê và hạt điều, trong khi dư địa thị trường cho các mặt hàng nông sản khác còn rất lớn.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hữu cơ
Nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa phát huy hết tiềm năng là do các DN Việt Nam chưa đáp ứng hết các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng nghiêm ngặt của EU.
Trả lời câu hỏi làm thế nào để sản phẩm nông sản hữu cơ Việt có chỗ đứng ở thị trường EU, ông Marco Schlueter - Trưởng ban Chiến lược và Quan hệ quốc tế Hiệp hội Nông dân hữu cơ Đức tại Việt Nam (Naturland) cho biết, người tiêu dùng châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung ngày càng ưu tiên các sản phẩm đến từ nông trại hữu cơ hoặc chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Theo ông Schlueter, tăng trưởng xanh và bền vững là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt đối với thị trường EU. Đạt được điều đó đòi hỏi nỗ lực và đầu tư lâu dài từ các nhà xuất khẩu Việt Nam. Theo đó các nhà sản xuất ở Việt Nam cần được đào tạo và hỗ trợ về các phương pháp thực hành bền vững – chẳng hạn như giảm sử dụng thuốc trừ sâu, sản xuất thân thiện với môi trường… Bên cạnh đó, DN cần tham vấn các chuyên gia, các công ty chuyên nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững.
Ông Schlueter dẫn chứng tại Đức, nông dân sản xuất hữu cơ thường tự làm phân hữu cơ từ phụ phẩm hoặc thức ăn thừa từ vụ sản xuất trước. Nông dân chỉ sử dụng kháng sinh khi các loại thuốc trị liệu bằng thực vật. Họ ưu tiên các phương pháp bảo quản vật lý hoặc sinh học hơn các phương pháp hóa học... để đảm bảo mọi sản phẩm dưới nhãn hữu cơ đều có ít nhất 95% thành phần hữu cơ.
Cũng theo ông Schlueter, Naturland là một trong những hiệp hội nông dân trên thế giới tiên phong áp dụng hệ thống nông nghiệp hữu cơ bền vững. Các nông trại của Naturland không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn của EU về loại bỏ phân bón hóa chất, thuốc trừ sâu độc hại mà còn các tiêu chuẩn xã hội, bao gồm bảo vệ môi trường.
Theo số liệu một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần huy động tới 70% từ các nguồn lực khác, mà chủ yếu là khu vực tư nhân.
Mặt khác, những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Đối với các DN xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, DN càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.
Có thể kể đến như thuế carbon của EU đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn quy định bởi EU, họ sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon tại EU. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn khiến hàng hóa Việt Nam khó xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, phát triển xanh theo hướng nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu. Vì vậy cần tăng cường nhận thức và giáo dục cho người nông dân về lợi ích của nông nghiệp hữu cơ tử đó xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ Việt Nam có uy tín, tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế là cơ hội quan trọng để nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm hữu cơ, tạo thu nhập cao hơn cho người nông dân.