Đô thị và thể chế
Tốc độ đô thị hóa trên cả nước vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng. Là những nơi tập trung trí tuệ, công nghệ và các nguồn lực để tạo ra 90% GDP, hệ thống đô thị trên cả nước đang đặt ra yêu cầu xây dựng mô hình thể chế, quản trị công có tính phổ quát, thiết lập các quy tắc, quy định và hệ thống tổ chức để định hình và hỗ trợ sự phát triển bền vững. Việc tháo gỡ “chiếc áo chật” về cơ chế, chính sách không chỉ đặt ra đối với các siêu đô thị tập trung như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, mới đây, đã nhìn nhận qua 40 năm đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển, kinh tế duy trì tăng trưởng hàng năm ở mức cao. TPHCM cũng là nơi đã luôn minh chứng cho sự tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ. Cạnh đó, TPHCM cũng chỉ ra những khó khăn hiện nay như mô hình tăng trưởng kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, đóng góp vào nền kinh tế của cả nước có xu hướng giảm trên một số phương diện. Việc phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế có mặt chưa hiệu quả; hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị chưa có bước đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển.
Không chỉ riêng TPHCM, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước trong những năm qua đã làm thay đổi vượt bậc diện mạo các đô thị khắp các vùng miền trên cả nước. Bên cạnh đó, thực tế cũng đã cho thấy những tồn tại, nảy sinh các vấn đề nan giải, báo động từ sự phát triển nóng, đô thị hóa nhanh, thiếu bền vững ở nhiều nơi, nhất là các siêu đô thị tập trung đông người.
Ở thành phố lớn vẫn tồn tại thực trạng, hễ mưa là ngập nước; vấn nạn ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng; hệ thống bệnh viện cung cấp dịch vụ y tế thường xuyên bị quá tải; đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn khó khăn... Tất cả những tồn tại ấy đặt ra bài toán cần lời giải căn cơ về quản trị công tại các đô thị, để từ đó định hình rõ hơn về giải pháp tổng thể trong công cuộc đổi mới đất nước giai đoạn hiện nay.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025, nghĩa là chỉ còn 2 năm nữa, Việt Nam có 41% dân số với 42 triệu người sống ở các đô thị; và đến năm 2040 sẽ có đến hơn 50% dân số của cả nước sống ở các thành phố. Điều đáng nói, một khi các siêu đô thị tiếp tục phình to nhưng hệ thống “kiến trúc thể chế” vẫn giữ gần như cũ, ắt sẽ dẫn đến trạng thái khó khăn, ngột ngạt chẳng khác gì những cơ thể khổng lồ bị giam mình trong “chiếc áo chật” nhưng việc tháo gỡ vướng mắc vẫn được thực hiện chưa đúng mức, thiếu kịp thời. Những nội dung được phân cấp, giao thêm quyền đối với các chính quyền đô thị đặc biệt trong thời gian qua dường như vẫn vận hành theo cơ chế “thiếu thì xin thêm”. Không ít nội dung “xin thêm” chỉ là giải pháp tình thế, chưa bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.
TPHCM và các trung tâm kinh tế lớn khác của cả nước cần tiếp tục không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh; xây dựng đô thị thông minh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Với TPHCM là đô thị đặc biệt, không chỉ giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, mà còn tiến tới trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học, công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Cố nhiên, các đô thị đặc biệt thì cần phải có mô hình thể chế, quản trị công đặc biệt. Nhưng sự đặc biệt ấy cần được vận dụng một cách thuận lợi tùy theo điều kiện, tiêu chí dựa trên nền tảng khung khổ pháp lý chung về quản trị công cho các đô thị. Theo đó, xu hướng tất yếu của quá trình phát triển của đất nước đặt ra nhu cầu phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế vận hành chung cho các đô thị, trong đó có sự điều chỉnh đặc biệt hơn đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM, TP Đà Nẵng…
Việc thiết lập các quy tắc, chính sách, và hệ thống quản lý đô thị được ví như "may chiếc áo" phù hợp để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của cộng đồng và môi trường sống. Và, “chiếc áo thể chế” cho các đô thị sẽ tạo hành lang pháp lý để các thành phố tự co giãn linh hoạt thích hợp kịp thời, tùy thuộc vào đặc điểm “cơ thể” của mình. Như vậy sẽ phòng tránh, hạn chế chế triệt để hệ lụy phải chờ đợi cơ chế “xin thêm”, chồng chéo, với tiến trình giải quyết thường có thủ tục kéo dài chậm trễ, đánh mất cơ hội phát triển.