Đẩy mạnh giám sát tại những vùng đặc biệt khó khăn

Phương Nguyên 30/10/2023 08:30

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), MTTQ các cấp tỉnh An Giang đã đẩy mạnh các hoạt động giám sát tại những vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang khám bệnh, cấp phát thuốc cho đồng bào Khmer tại huyện Tịnh Biên. Ảnh: Hoàng Mẫn.

Ông Nguyễn Tiếc Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang cho biết, để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719, tỉnh đặt ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như tuyên truyền, vận động để người dân chung tay thực hiện Chương trình.

Với đặc thù là tỉnh biên giới, trong đó có 16 xã thuộc vùng đồng bào DTTS gồm 7 xã khu vực III và 9 xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và 34 ấp, khóm đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Qua đó cho thấy, địa bàn triển khai rộng, đối tượng thụ hưởng nhiều, nguồn vốn thực hiện lớn nên trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719, công tác kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện vô cùng quan trọng.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang đã ký kết Chương trình phối hợp trách nhiệm với Ban Dân tộc tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung, Chương trình MTQG 1719 nói riêng trong đồng bào vùng DTTS. Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh còn đẩy mạnh thực hiện công tác giám sát, tham gia xây dựng các văn bản có liên quan đến các nội dung của Chương trình MTQG 1719.

MTTQ các cấp trong tỉnh, đặc biệt các địa phương trực tiếp hưởng thụ dự án đã tập trung đổi mới phương thức, nội dung vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu và hưởng ứng tham gia thực hiện Chương trình MTQG 1719. Thông qua các hình thức tuyên truyền miệng trong đồng bào DTTS các buổi sinh hoạt xóm, bản, giúp đồng bào nhận thức rõ ý nghĩa của Chương trình; sử dụng Facebook, Zalo, trang thông tin điện tử của MTTQ và địa phương để tuyên truyền sâu rộng đến bà con. Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh còn phát huy hệ thống loa truyền thanh tại các xóm, bản để kịp thời đưa nội dung thông tin về triển khai Chương trình đến đồng bào, nêu cao vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động bà con đồng thuận thực hiện...

Ông Nguyễn Tiếc Hùng cũng cho biết, trong năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh và HĐND tỉnh An Giang tổ chức 2 đoàn giám sát, khảo sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 đối với 6 xã thuộc 3 huyện: Tri Tôn, An Phú và huyện Tịnh Biên… Qua giám sát, bước đầu cho thấy, công tác triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhận được đồng thuận trong xã hội và sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân. UBND các huyện cũng đã triển khai khá tốt Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh về phê duyệt Chương trình MTQG 1719.

Qua giám sát thực tế tại các xã, thị trấn có sự biến động về nhu cầu thụ hưởng đất ở, nhà ở nên phải tổ chức rà soát thay đổi, bổ sung các đối tượng thụ hưởng làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp danh sách thụ hưởng bước đầu của huyện, tỉnh. Chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở được thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình nhưng lại ghi vốn đầu tư, nên gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ, danh mục dự án, do chưa có hướng dẫn cụ thể. Trước thực tế đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang đã có văn bản kiến nghị với cơ quan chức năng ở Trung ương, UBND tỉnh để tăng định mức ngân sách hỗ trợ đối với hỗ trợ nhà ở và đất ở….

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang, Chương trình MTQG 1719 là cơ hội để các địa phương vùng “lõi nghèo” của tỉnh An Giang phát triển. Nắm bắt cơ hội này, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh An Giang đã luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời phát huy vai trò giám sát để nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Trong công tác giám sát, nhất là với giám sát đầu tư cộng đồng, MTTQ tỉnh An Giang chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Phương Nguyên