Cầm bút đâu phải là tùy tiện cho vui
Năm nay nhà văn Đỗ Chu đang bước qua tuổi 79. Mừng là ông vẫn còn dẻo dai, dù sức viết thì nhiều năm nay đã giảm. Thi thoảng gặp Đỗ Chu ở đâu đó, vẫn thấy ông nói cười, dù sắc mặt và dáng đi không còn khỏe như dạo trước.
Thì cũng phải thôi, tuổi càng cao, trí lực và sức khỏe càng giảm. Ai cũng vậy cả thôi, chẳng riêng gì giới văn nhân chữ nghĩa…
Nhà văn Đỗ Chu có thói quen đi bộ. Ông đi bộ tới Hội Nhà văn Việt Nam, rồi đi bộ về. Đi bộ tới tòa soạn báo, rồi đi bộ về. Cũng có khi ông gặp bạn văn, thì bảo “đèo tao về”. Không gặp ai, thấy mỏi chân, ông bắt xe ôm về…
Mỗi lúc nhớ nhà văn Đỗ Chu tôi thường nhớ tới những tùy bút của ông. Những “Tản mạn trước đèn”, “Thăm thẳm bóng người”… cho thấy một Đỗ Chu uyên thâm, dí dỏm. Qua tùy bút - tản văn, Đỗ Chu cũng cho người đọc thấy, có những cách viết khác, không phải là thứ tản văn viết chiều theo khuôn khổ của một số tờ báo. Đọc tản mạn của Đỗ Chu, ông dựng lên chân dung đời sống, có không gian và thời gian; dựng lên những chân dung bạn bè, những kỷ niệm văn nghệ mà ông là người dự phần. Đọc tùy bút Đỗ Chu cũng nhận ra vẻ đẹp của văn chương qua những áng văn có mùi vị riêng, suy ngẫm riêng…
Nhưng Đỗ Chu không chỉ có tùy bút. Ông khởi đầu với truyện ngắn, và thành công cũng bằng truyện ngắn. “Một loài chim trên sóng” là tập truyện ngắn mà tôi rất thích. Nó khẳng định dấu ấn của Đỗ Chu với thể loại này…
Tôi đã có nhiều lần gặp Đỗ Chu. Ngồi uống trà đá với ông ở vỉa hè cũng nhiều bận. Trò chuyện với Đỗ Chu thấy một Đỗ Chu khác, không giống như Đỗ Chu qua những trang văn. Ngoài đời, ông nói chuyện vui vẻ, đùa giỡn và có phần tếu táo... Nhưng trong văn chương, ông là người nghiêm cẩn. Hãy đọc những tâm sự của ông về nghề văn, để phần nào hình dung chân dung văn chương của Đỗ Chu.
* Tôi viết văn từ khi học năm cuối phổ thông cấp III Hàn Thuyên ở Bắc Ninh, với 3 truyện ngắn “Hương cỏ mật”, “Mùa cá bột” và “Thung lũng cò”. Cả 3 truyện ngắn viết ngày ấy đã được đăng từ cuối năm 1962 trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
* Tháng 7/1963, học xong phổ thông, tôi nhập ngũ, vào E228 pháo phòng không. Cuối năm 1963 đầu năm 1964, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đưa 3 truyện ngắn vừa nói vào xét giải và trao giải Nhất cho “Hương cỏ mật”…
Trong năm đầu ở E228, tôi viết thêm được 3 truyện ngắn nữa, cộng với 3 truyện viết thời học sinh là 6 truyện.
* Nghĩ lại, nếu 3 truyện ngắn viết thời học sinh, nhỡ mà bị các biên tập viên của Văn nghệ Quân đội không thích hay tình cờ bỏ qua, thì sao tôi có thể sớm trở thành nhà văn thế được? Ở chỗ này, cứ như trời định vậy!
* Khoảng năm 1972-1973, tôi có viết một cuốn tiểu thuyết, tên là “Đám cháy trước mặt”, nhưng không hay. Chính tôi cũng thấy nó không hay. Qua đó, tôi biết cái “tạng” tôi không hợp với tiểu thuyết. Từ đó tôi không viết tiểu thuyết nữa.
* Bên cạnh viết truyện ngắn, tôi cũng viết tùy bút ngay từ những ngày bắt đầu viết văn. Tùy bút là viết những điều trong sâu thẳm lòng mình, không chót lưỡi đầu môi được. Tôi viết cũng không phải để khoe tài, khoe giỏi. Tôi viết tùy bút nhiều vì nó cho phép tôi nói nhiều chuyện trực tiếp, kỹ lưỡng, rõ ràng rành mạch, không phải vòng vo cốt truyện gì cả. Sức khái quát tùy bút cũng cao hơn.
* Nhà văn thì chỉ viết thôi. Viết in ra đấy, một nghìn người đi qua có một người đọc cũng quý lắm rồi. Mười điều mình muốn nói người ta nghe một cũng tốt, không nghe cũng không vì thế mà không nghĩ nữa, không viết nữa. Tôi nghĩ rất nhiều và viết cũng không ít.
* Với tôi, viết vừa là sáng tạo vừa phải là nhận thức. Nó như một sự tu thân, tự dạy mình trong cách sống, trong cách nghĩ. Sống thế nào thì viết thế nấy. Mọi chuyện đều giản dị và chân thật.
* Tôi luôn luôn muốn đời sống phải đẹp hơn, sang trọng hơn, dẫu lúc nào cũng hết sức gian khó.
* Đời tôi có 3 nơi phải chịu ơn dìu dắt, một là Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, nơi tôi có 10 năm phục vụ. Hai là Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi những truyện ngắn đầu tay của tôi đã được đón nhận.
Ba là cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, nơi sau này tôi về công tác. Ngày đầu tiên về đấy, tôi được ngồi nghe cụ Nguyễn Tuân dặn dò. Ông cụ gật gù, anh về đây phải cố gắng nhiều, chúng tôi đang sắp già cả với nhau rồi. Cả ba nơi tôi vừa kể đều cầm tay dắt tôi đi vào con đường văn học.
* Nếu đời mà chỉ có vui thì còn cầm bút làm gì.
* Về sự “cải cách” hay “đổi mới” văn chương thì mỗi nhà văn, dù ở bất cứ đâu, viết cái sau phải mới so với cái trước, không được lặp lại. Đó là bổn phận của anh ta. Nếu không, tức là không sáng tạo nữa. Mà với văn chương, theo tôi, “Viết thế nào?” quan trọng hơn là “Viết cái gì?”. Giỏi thì viết cái gì cũng hay. Nhà văn là phải đổi mới ngay khi cuộc sống vô cùng trì trệ. Đổi mới được làm bằng đau đớn và lịch sự. Nếu không, rất dễ thành kẻ chửi đổng, chửi đời. Đổi mới lấy được, đổi mới phi văn học thì dễ thành kẻ mị dân, cơ hội; là thiếu văn hóa, trong đó có văn hóa chính trị. Cũng không phải cứ trẻ là đổi mới, già là bảo thủ. Ai mà rồi chả già đi? Nếu không tự đổi mới bằng chính tác phẩm của mình, thì sau này, lại đổ lỗi cho... tuổi chăng? Mà cũng lạ lắm! Đổi mới, có khi chỉ đơn giản là quay trở về với những nguyên lý ban đầu.
Tất nhiên, vì đổi mới không bao giờ dễ nên không có nhiều điều mới lắm đâu. Chỉ những ai thường xuyên và lặng lẽ đổi mới từng trang viết của mình, vượt được qua chính mình, thì mới thành.
* Quảng bá thì cứ phải làm, nhưng nếu văn chương ta chưa hay thì đừng mong thế giới họ thích. Kể cả với những cái đã hay, có dịch hay ra tiếng nước ngoài được không, lại là chuyện khác. Trong công việc này, tôi không tin tưởng lắm! Dịch xuôi văn tây sang văn ta rất khác với dịch ngược văn ta sang văn tây. Cứ lặng lẽ mà làm. Càng ầm ĩ càng vô duyên.
* Càng viết càng thấy bơ vơ, càng thấy cô đơn, đêm mới dài rộng, yên ả làm sao. Đây là những đêm không có nhiều lắm trong một đời văn, đây là cái bơ vơ trong lúc đi tìm kiếm, cái cô đơn không hề lẻ loi của một kẻ yêu chúng bạn và gắn bó thiết tha với nghề, nó là sự cô đơn pha chút kiêu ngạo. Nhà văn rất nên có những khoảng trống bơ vơ đó, để tự đẩy mình nhảy vào dòng xoáy của sự sáng tạo, thật sự là hết sức nhọc nhằn.
* Nhà văn ở đâu cũng vậy thôi, đều “bất thường” và thú vị.
* Nhà văn có công việc của mình. Lặng lẽ âm thầm, cô đơn được thì càng tốt. Và đôi khi mình phải chấp nhận để người ta quên mình đi. Nhà văn không phải diễn viên!
* Tôi là một nhà văn đã được thở bằng một nền văn hóa dân tộc trong đó miền Kinh Bắc là sự bắt đầu đầy duyên phận. Phương Tây có câu “Anh bắt đầu như thế nào thì anh sẽ được kết thúc như thế”.
* Thực ra tôi là người nhũn nhặn nhưng đúng là khó tính. Tôi luôn đòi hỏi ở tôi trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày, đôi lúc có thể nói là sự đòi hỏi gay gắt.
* Cầm bút đâu có phải là tùy tiện cho vui. Ở tôi vẫn có mang một chút truyền thống Nho giáo. Tôi hay nói đùa nhưng sự thật lòng lúc nào cũng canh cánh, luôn luôn muốn mình phải cố gắng, phải giữ gìn và phải xứng đáng với gia đình mình và với nhân dân mình. Tôi mỉm cười trước mọi sự tầm thường, xoàng xĩnh. Tôi yêu mọi sự giản dị, xa lánh mọi dối giả, khoa trương, đỏm dáng, dông dài…
* Cũng như bất kỳ ai được sống thêm 1 ngày, 1 năm, tôi đều thấy phải biết ơn đời. Đời là cái gì rất rộng lớn mà cũng rất cụ thể như bát cơm, chén nước, viển vông xa xôi như một nỗi nhớ, một lời hàm ơn.
Nhà văn Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh ngày 5/2/1944 tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Ông từng là lính cao xạ thuộc quân chủng Phòng không - Không quân những năm chống Mỹ, cứu nước. Năm 1975 ông chuyển ngành sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. 21 tuổi Đỗ Chu đã được nhiều người biết đến với các truyện ngắn và tùy bút. Tác phẩm chính của Đỗ Chu gồm có: Hương cỏ mật (1963), Phù sa (1966), Tháng Hai (1969), Gió qua thung lũng (1971), Vòm trời quen thuộc (1969), Một loài chim trên sóng (2001), Tản mạn trước đèn (2005), Thăm thẳm bóng người...
Ông được trao: Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng văn học ASEAN năm 2004 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2012.