Ở nơi lưu giữ 12 bảo vật quốc gia
12 bảo vật quốc gia là những hiện vật vô song, độc bản đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh. Mỗi hiện vật là một câu chuyện bí sử mà không phải ai cũng biết đến.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023), tôi có dịp tham quan Bảo tàng Quảng Ninh. Trong số hàng nghìn hiện vật đang được trưng bày tại đây, có 12 hiện vật được trưng bày, bảo quản và bảo vệ nghiêm ngặt, thậm chí được cất giữ trong hầm có bảo vệ 24/24.
Dẫn PV đi tới các khu vực trưng bày và bảo quản, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh Vũ Quyết Tiến, giới thiệu: Đây là 12 bảo vật quốc gia, đều là những hiện vật độc nhất vô nhị, có giá trị vô song về văn hóa, lịch sử.
Rồng vờn ngọc báu trên bình gốm
Bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ, thế kỷ XV lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh là hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công. Sản phẩm này hội tụ và thể hiện trình độ cùng giá trị của gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ.
Kỹ thuật gốm men vẽ nhiều màu xuất hiện tại Trung Hoa từ thời Đường và phát triển mạnh mẽ ở các thời đại sau, trở thành một dòng gốm sứ đặc sắc. Ở Việt Nam, kỹ thuật gốm men vẽ nhiều màu xuất hiện và phát triển mạnh dưới thời Lê sơ thế kỷ XV. Nhưng, khác với gốm men vẽ nhiều màu của Trung Hoa, ngoài việc sử dụng các màu lam, lục, đỏ, vàng,… thì gốm men vẽ nhiều màu Đại Việt còn dùng kim loại vàng như một màu để vẽ trên men.
Giá trị nổi bật của bình gốm thể hiện qua các đề tài và màu sắc hoa văn trang trí. Các hoạ tiết trang trí trên bình có thể chia thành 3 nhóm đề tài: Hoa văn rồng vờn ngọc báu, hoa văn hoa lá và hoa văn hình học. Trong đó các họa tiết hoa lá, hình học làm nền tôn hoa văn chính là hoa văn rồng vờn ngọc báu.
Trống đồng Quảng Chính
Trống đồng Quảng Chính có niên đại văn hóa Đông Sơn, khoảng thế kỷ III - II trước Công Nguyên. Trống nặng 12,7 kg, cao 31 cm, đường kính mặt 40 cm, đường kính đáy 54 cm. Chiếc trống còn tương đối nguyên vẹn, phần mặt bị thủng một lỗ nhỏ.
Trống đồng không chỉ là nhạc khí mà còn có những chức năng khác như biểu tượng cho quyền lực tôn giáo... Trống được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, lễ hội và chiến tranh chống giặc ngoại xâm.
Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử
Hay còn gọi là hộp vàng hình Hoa Sen, được xác định có niên đại thời Trần, nửa đầu thế kỷ XIV.
Hộp vàng nặng 56,44 gram (tương đương khoảng 15 chỉ vàng), hình dáng đóa hoa sen, có thể là đồ dùng quý trong hoàng cung. Một ý kiến khác cho rằng Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một vật dụng quan trọng trong nghi lễ Phật giáo được gọi là Át-già-khí.
Theo Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử được phát hiện ngày 21/6/2012 tại thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chiều ngày 21/6/2012, trong quá trình thi công mở rộng con đường “hành hương tâm linh” từ Trại Lốc lên di tích chùa Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật, Đại đức Thích Quảng Hiển, trụ trì chùa Trung Tiết, trên đường cùng phật tử đi lễ Phật tại chùa Ngọa Vân, khi đi ngang qua đây, đã phát hiện được một chiếc hộp kim loại màu vàng do máy xúc đào lộ ra từ sườn một quả đồi. Vị trí quả đồi phát hiện chiếc hộp này thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (nay là TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Bình gốm Đầu Rằm
Bình gốm Đầu Rằm hay còn gọi là gốm Hoàng Tân được, được xác định có niên đại văn hóa Phùng Nguyên muộn, cách đây hơn 3.000 năm.
Bình gốm Đầu Rằm nặng 1 kg, cao 25,3 cm, chia làm ba phần: Miệng bình có đường kính 6,5 cm, vai bình cao 2,3 cm; thân bình cao 16,2 cm; chân đế bình hình vuông với kích thước mỗi cạnh 6,8 cm...
Theo ông Vũ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, bình gốm Đầu Rằm là vật dụng cao quý, được sử dụng trong các nghi lễ như bát bồng và thố của người Phùng Nguyên vùng đất tổ, của cư dân thời đại kim khí ở Đầu Rằm.
Thống đồng thời Trần
Trên tổng thể, Thống còn nguyên vẹn cả hình dáng và hoa văn. Thống nặng 15 kg, cao 37 cm, đường kính miệng 42,5 - 43,5 cm, đường kính thân 45 cm, đường kính đáy 37,5 cm.
Căn cứ vào hình dáng, chất liệu, kỹ thuật đúc, họa tiết hoa văn trang trí, đặc biệt hoa mai trang trí quai đeo đúc nổi là biểu tượng phổ biến thời Trần; so sánh với hệ thống di vật và nghệ thuật trang trí thời Trần, các chuyên gia xác định đây là hiện vật gốc thời Trần, thế kỷ XIII-XIV.
Thống đồng thời Trần là vật dụng lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình thời Trần.
Thạp đồng Đông Sơn
Thạp đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Quảng Ninh được đúc bằng kỹ thuật khuôn sáp nóng chảy. Đây là thạp đồng Đông Sơn đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này cho thấy kỹ thuật đúc đồng dùng khuôn sáp nóng chảy. Những dấu vết của kỹ thuật này trên thạp đồng là trên nắp, trên thân đều không có dấu vết ráp khuôn.
Căn cứ vào hình dáng, phong cách chế tác và đặc biệt là các họa tiết hoa văn trang trí của Thạp đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Quảng Ninh cho thấy thạp đồng thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Chức năng chính của thạp là làm đồ đựng. Trong một số trường hợp, thạp được sử dụng như quan tài để đựng tro cốt người chết.
Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)
Theo các chuyên gia, Thạp gốm hoa nâu thời Trần của Bảo tàng Quảng Ninh còn nguyên vẹn với hoa văn trang trí đặc trưng, là một di vật hiếm gặp và có giá trị tiêu biểu nhất của loại hình gốm hoa nâu thời Trần.
Thạp gốm hoa nâu này được tạo dáng từ việc chuốt tay dựa trên bàn xoay đồ gốm. Kết hợp bàn xoay là với bàn tay nghệ thuật tài hoa của người nghệ nhân làm gốm trong việc sửa dáng, tạo hoa văn cánh sen trên vai thạp.
Căn cứ theo các dấu tích còn để lại trên bản thân di vật, có thể nhận thấy Thạp gốm hoa nâu thời Trần được làm từ một tổ hợp kỹ thuật điêu luyện của người nghệ nhân làm gốm.
Căn cứ vào cấu trúc, hình dáng, kích thước, hoa văn trang trí được tạo tác tỉ mỉ, chuyên gia nhận định Thạp gốm hoa nâu thời Trần tại Bảo tàng Quảng Ninh có thể là đồ dùng của tầng lớp quyền quý, hoặc là đồ lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ (tế lễ) của đời sống cung đình (miếu/đường) hoặc đời sống tôn giáo (chùa) thời Trần.
Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần
Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần được làm từ đất sét trắng, tráng men trắng xanh và tô men nâu; nung ở nhiệt độ cao; còn bền chắc với đường nét hoa văn hoàn mỹ và chất lượng bảo quản tốt.
Căn cứ vào bối cảnh khảo cổ được phát hiện cùng di tích kiến trúc thời Trần ở hành cung của An Sinh Vương Trần Liễu; dựa vào hình dáng, chất liệu, dòng men, kỹ thuật sản xuất và nung đốt cũng như các họa tiết hoa văn trang trí dây lá, vân mây, rồng, hoa sen dây hình sin, chim, hoa chanh; so sánh với hệ thống di vật tương tự và nghệ thuật điêu khắc trang trí thời Trần, các chuyên gia xác định đây là hiện vật gốc có niên đại thời Trần, thế kỷ XIII.
Thạp gốm hoa nâu thời Lý
Thạp có dáng hình trụ, phần miệng hơi loe, thành đứng, đáy hơi thót. Phần chân đế thấp dạng đài sen, miệng loe vừa đủ để đặt đáy thạp lên trên. Đây là hình dáng đặc biệt hiếm có của loại hình thạp gốm hoa nâu có chân đế thời Lý đã phát hiện ở miền Bắc Việt Nam.
Hình tượng hoa sen trang trí trên Thạp gốm hoa nâu thời Lý mang đậm yếu tố Phật giáo truyền thống Đại Việt thế kỷ XII.
Đây thực sự là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm bằng gốm men còn tồn tại đến ngày nay với chức năng là vật dụng tế khí trong các nghi lễ của đời sống cung đình và tín ngưỡng tôn giáo dân gian, đồng thời hàm chứa các giá trị văn hóa đương thời.
Bình gốm hoa nâu Kinnari thời Lý
Các chuyên gia nhận định, Bình gốm hoa nâu Kinnari thời Lý có trang trí hình tượng đầu người mình chim còn nguyên vẹn là một di vật hiếm gặp và có giá trị tiêu biểu nhất của loại hình bình gốm hoa nâu thời Lý tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Do có giá trị quý hiếm và độc đáo nên đã được trưng bày trang trọng trong hệ thống trưng bày cố định trong không gian văn hóa lịch sử Lý - Trần của Bảo tàng Quảng Ninh để phát huy tốt nhất giá trị của hiện vật đặc biệt này.
Căn cứ vào hình dáng, chất liệu, kỹ thuật sản xuất và nung đốt cũng như các họa tiết hoa văn trang trí, đặc biệt là giá trị văn hóa của hình tượng đầu người mình chim phổ biến thời Lý; so sánh với hệ thống di vật tương tự và nghệ thuật điêu khắc trang trí thời Lý, các chuyên gia xác định đây là hiện vật gốc có niên đại thời Lý, thế kỷ XI-XII.
Bình gốm hoa sen
Bình gốm có thân chia múi cánh sen tạo dáng như bông sen mười cánh, mỗi múi cong ở thân bình được tạo dáng như cánh sen nổi đang ôm đài sen. Vai bình được chạm nổi băng cánh sen kép (cánh to xen cánh nhỏ). Bình gốm có vòi hình đầu rồng, quai hình chim anh vũ ngủ; đáy lõm; đế hình con tiện để mộc; men trắng ngả màu xanh nhạt.
Theo Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, Bình gốm hoa sen là tên gọi gắn liền với đặc điểm hiện vật, là tên gọi bản quyền, có tính pháp lý của hiện vật.
Căn cứ vào nghệ thuật tạo hình và các họa tiết hoa văn trang trí trên thân Bình gốm hoa sen, chuyên gia nhận định Bình gốm hoa sen của Bảo tàng Quảng Ninh được chế tác dưới thời Lý (thế kỷ XI – XII), được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng.
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là một sản phẩm gốm men cao cấp thời Lê sơ (thế kỷ XV). Vật phẩm này không sản xuất để dành cho rộng rãi các đối tượng trong xã hội mà đây là sản phẩm chỉ giành cho tầng lớp cao trong xã hội đương thời.
Căn cứ vào hình dáng, hoa văn trang trí và kích thước, các nhà nghiên cứu cho rằng Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu được sử dụng bày biện ở những vị trí tôn nghiêm hoặc dùng để bày đặt các lễ nghi trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng của tầng lớp cao trong xã hội đương thời.
Ngoài 12 bảo vật quốc gia được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng, Quảng Ninh còn có 1 bảo vật quốc gia là Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, có niên đại thế kỷ XVII, hiện được thờ trong tháp Huệ Quang, Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí).