Tăng cường giải pháp bảo đảm nguồn thu ngân sách
Ngày 30/10, UBND TPHCM tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội thành phố tháng 10 và định hướng những tháng cuối năm.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, tháng 10 là tháng bản lề của quý 4. Tuy nhiên, kinh tế vẫn chịu tác động kép bất lợi bên ngoài và khó khăn bên trong. Liên quan đến nguồn thu của thành phố, ông Hoàng cho hay, ước tính tổng thu ngân sách nhà nước của TPHCM 10 tháng đầu năm 2023 giảm 8,1% so với cùng kỳ. Trong đó 3 thành phần trong tổng thu ngân sách đều giảm so với cùng kỳ là thu nội địa giảm 5,2%, thu từ dầu thô giảm 16,4%. Riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 101.529 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán, chiếm 27,2% tổng thu cân đối và giảm 13,1%. Theo ông Hoàng, bắt đầu từ tháng 4 nguồn thu của thành phố giảm 2,9% nhưng tháng 10 giảm 8,1%.
“Kinh tế TPHCM tiếp tục đối diện với khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đáng lưu ý là xuất khẩu của thành phố vẫn “sáng hơn” khi mà các tỉnh xuất khẩu giảm 20%, TPHCM giảm 13%” - ông Hoàng chia sẻ.
Đề cập đến nguồn thu ngân sách, ông Lê Duy Minh - Giám đốc Sở Tài Chính TPHCM thông tin, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 372.708 tỷ đồng, đạt 79,4% dự toán và giảm 8,1% so với cùng kỳ. “Tình hình thu ngân sách trên địa bàn TPHCM đang gặp khó, có khả năng bị hụt thu. Nội địa đạt nhưng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đạt 69%. Dự báo, thành phố sẽ hụt thu ngân sách khoảng 4 - 5%, trong đó hụt thu xuất khẩu khoảng 20.000 tỷ đồng” - ông Minh quan ngại.
“Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nên phần nào tác động đến xuất nhập khẩu của TPHCM. Mặt khác, chính sách giảm thuế nên cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách” - ông Minh nói và bày tỏ băn khoăn làm sao bù vào hụt thu ngân sách để thành phố hoàn thành dự toán?.
Từ đó, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính TPHCM cho rằng, cần tập trung nhiều giải pháp để thu ngân sách. Cụ thể là tập trung đẩy mạnh nguồn thu, cố gắng thu hồi lại để đảm bảo nguồn thu. Sắp tới sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là đối với các đơn vị thương mại điện tử đang hoạt động nhiều. Tập trung giải ngân nhanh đầu tư công để thuế đi vào tiêu dùng, tăng nguồn thu. Theo thống kê, chi tiêu công của thành phố mới đạt trên dưới 60%, 2 tháng còn lại chi 40%, vì thế cần đẩy mạnh hoạt động chi ngân sách đối với các khoản có dự toán rồi. Việc thực chi ngân sách đúng quy định cũng giúp tăng nguồn thu ngân sách. Song song đó, tập trung giải ngân nguồn thu y tế, giáo dục. Ngoài ra, đối với các đơn vị có khoản thu từ đất, nên đẩy mạnh để có số thu này.
Liên quan đến nguồn thu từ đất đai, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo, các đơn vị liên quan cần thực hiện hoàn thành cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà đất cho người dân, doanh nghiệp. Việc này vừa góp phần tăng nguồn thu ngân sách vừa giảm bớt hồ sơ cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà đất tồn nhiều.
Theo Cục Thống kê TPHCM, tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 10 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 63.894 tỷ đồng, đạt 50,6% dự toán và tăng 37,3% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 51.921 tỷ đồng, đạt 46,9% dự toán và tăng 15,1% so với cùng kỳ. Cụ thể: Chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách địa phương ước thực hiện 14.402 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán và tăng 31,7% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên ước thực hiện 36.748 tỷ đồng, đạt 61,1% dự toán và tăng 9,4%. Trong đó, chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ước thực hiện 13.536 tỷ đồng, đạt 64,4% dự toán và tăng 25,3%; chi cho sự nghiệp y tế ước thực hiện 2.303 tỷ đồng, đạt 36,6% dự toán và giảm 29,4%; chi khoa học và công nghệ ước thực hiện 492 tỷ đồng, đạt 51,2% dự toán và giảm 22,0% so với cùng kỳ.