Tăng cường phối hợp trong quá trình giám sát
Giám sát thông qua tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là một trong những hình thức giám sát quan trọng của MTTQ Việt Nam, góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Việc bổ sung hoàn chỉnh đổi mới cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là cần thiết trong tình hình mới.
Theo ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban MTTQ TP Hà Nội), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, trong những năm qua hoạt động của các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại Hà Nội đã mang lại những kết quả thiết thực và ý nghĩa quan trọng. Năm 2022, đã có trên 2.000 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập với 15.230 thành viên, tham gia giám sát 2.034 công trình xây dựng, phát hiện 214 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 192 vụ.
"Thông qua hoạt động giám sát của các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và nhân dân đã giúp cho việc thực hiện các công trình xây dựng ở địa phương đảm bảo tiến độ thi công, đảm bảo quy trình, quy phạm kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống. Đây là điều quan trọng và có ý nghĩa nhất" - ông Thảo khẳng định.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Phạm Ngọc Thảo, thực tế hiện nay việc tìm người tham gia Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng rất khó khăn, nhiều nơi Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải kiêm nhiệm, phải thực hiện giám sát nhiều công trình một lúc khi ở xã cùng lúc có nhiều công trình đồng loạt được triển khai, đòi hỏi cường độ hoạt động của các thành viên trong Ban nhiều hơn.
Về vấn đề này, ông Thảo cho rằng, cần có cơ chế bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực hoạt động của các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhất là những người nòng cốt và có khả năng hoạt động lâu dài.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, phạm vi, đối tượng giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng rất nhiều và đa dạng gồm các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C với 6 nhiệm vụ và 21 nội dung. Tuy nhiên, thực tế các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hầu như mới chỉ tập trung giám sát được các dự án thuộc nhóm C gồm các công trình được đầu tư trực tiếp cho xã như điện, đường, trường, trạm, công trình phúc lợi dân sinh. Nội dung giám sát chủ yếu với những nội dung đơn giản được nhận biết bằng cảm quan do nhân dân phản ánh và các thành viên trong Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát hiện. Còn các dự án thuộc nhóm A, nhóm B thì hầu như chưa được tiếp cận, giám sát, vì chưa được các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cũng như các nhà thầu phối hợp, mời tham dự. Mặt khác, cũng do quy mô của các dự án thuộc nhóm này quá lớn, trải dài trên nhiều xã, phường, thời gian dài và nhiều vấn đề phức tạp khác nên các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng không đủ năng lực giám sát.
“Cơ quan nhà nước cùng các chủ đầu tư cần thực sự ý thức được trách nhiệm của mình, phối hợp tốt với MTTQ cấp xã, khi triển khai các dự án nhóm A, B tại cơ sở thì phải liên hệ với MTTQ các địa phương và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, cung cấp đầy đủ thông tin về dự án, phối hợp thực hiện với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong quá trình thực hiện dự án, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban liên quan đến thực hiện dự án. Đây là điểm yếu trong những năm qua cần khắc phục, đổi mới” - ông Thảo đề xuất.