Du lịch mạo hiểm: Làm sao để vừa hấp dẫn, vừa an toàn?

An Bình 31/10/2023 08:00

Với những du khách ưa khám phá, trải nghiệm, loại hình du lịch mạo hiểm trở thành xu hướng ngày càng hấp dẫn. Việt Nam có nhiều ưu thế để phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên đảm bảo an toàn vẫn luôn cần thiết cho mọi loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch mạo hiểm.

Nhiều loại hình du lịch mạo hiểm hấp dẫn du khách.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Với lợi thế nhiều đồi núi, hang động, sông suối, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, những sự cố xảy ra đối với loại hình du lịch này đang gióng lên một hồi chuông về vấn đề quản lý cũng như việc khai thác của các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành.

Sự cố diễn ra ngày 24/10 vừa qua tại tỉnh Lâm Đồng một lần nữa cho thấy tính cấp thiết phải siết chặt hơn loại hình du lịch này. Theo đó, ngày 24/10, có 4 du khách người Hàn Quốc tham quan tại khu du lịch Làng Cù Lần (thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lầm Đồng) sử dụng dịch vụ xe UAZ để đi trên suối cạn (thuộc khu du lịch) thì bất ngờ có lũ quét khiến cả 4 du khách đều bị cuốn ra khỏi khu vực tham quan, riêng tài xế vướng vào gốc cây nên chỉ bị thương nhẹ. Sau một thời gian tìm kiếm, thi thể 4 du khách Hàn Quốc đã được tìm thấy cách hiện trường khoảng 2km.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty TNHH G B Q (Khu du lịch Làng Cù Lần) dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại khu du lịch trên từ ngày 24/10.

Thực tế, đây không phải là sự cố đầu tiên, thời gian qua, loại hình du lịch mạo hiểm đã thu hút rất nhiều người yêu thích bộ môn này, đặc biệt là giới trẻ. Song, bên cạnh những điểm hấp dẫn mà loại hình này mang lại, thì vẫn còn đó những nguy hiểm, rủi ro khó lường.

Anh Nguyễn Văn Vĩnh (Đống Đa, Hà Nội) vẫn còn chưa quên giây phút sinh tử khi chơi trò dù lượn ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là môn anh Vĩnh rất ưa thích, anh và bạn bè, những người cùng trong câu lạc bộ ưa thích bộ môn này cũng đã nhiều lần trải nghiệm tại nhiều nơi. Tuy nhiên, trong một lần, sự cố đã xảy ra khi chiếc dù không theo sự điều khiển của mình, anh Vĩnh hạ cánh không được an toàn với một chiếc tay bị gãy. “Lúc đó tôi đã ngất đi và khi tỉnh lại thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện” - anh nhớ lại.

Trên thế giới, du lịch mạo hiểm luôn được xác định là một loại hình du lịch quan trọng với doanh thu hơn 600 triệu USD năm 2019 (riêng thị trường châu Âu đóng góp hơn 30% doanh thu du lịch mạo hiểm), chiếm 11% tổng doanh thu du lịch thế giới (doanh thu du lịch thế giới là 5,8 tỷ USD).

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL) Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Có thể chia thành các nhóm sản phẩm về du lịch mạo hiểm như: Du lịch mạo hiểm trên không (du lịch bằng máy bay trực thăng, dù lượn, nhảy dù…); nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên bộ (du lịch dã ngoại, leo núi, đi bộ, đi thăng bằng trên dây…); du lịch mạo hiểm dưới nước (chèo thuyền, khám phá thác nước, lặn…).

Thực tế, nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Nội… đã có chiến lược đẩy mạnh khai thác các tour du lịch mạo hiểm. Điển hình là vùng Đông - Tây Bắc có rất nhiều sản phẩm được khai thác như: Chinh phục đỉnh Fansipan (Lào Cai), Bạch Mộc Lương Tử (Lai Châu), đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), thác Bản Giốc (Cao Bằng), khám phá hang động ở Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Tại Hà Nội, Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Vì đã triển khai tour leo núi, khám phá Vườn quốc gia từ nhiều năm nay. Ở miền Trung, du lịch mạo hiểm nổi bật với các sản phẩm khám phá hang động ở Quảng Bình, chinh phục đỉnh Pu xai lai leng (tỉnh Nghệ An)...

Ở nước ta, du lịch mạo hiểm chưa có khái niệm chính thức. Nhưng trong Luật Du lịch 2017 đã đề cập đến sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Đó là "tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch". Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch tại Nghị định số 168/NĐ-CP ngày 31/12/2017.

Năm 2018, Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch mạo hiểm - Thông tin cho người tham gia (TCVN 12549:2018) cũng đã được ban hành. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147 ngày 22/1/2020 đã định hướng một trong những sản phẩm du lịch chủ lực của Du lịch Việt Nam là du lịch thể thao mạo hiểm. Theo đó, một số sản phẩm du lịch mạo hiểm có thể phát triển như: Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác; lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù ba; thám hiểm hang động, rừng, núi.

Việt Nam có nhiều điểm đến thu hút du khách ưa du lịch mạo hiểm.

An toàn là trên hết

Những năm gần đây, ngành du lịch rất quan tâm phát triển loại hình du lịch mạo hiểm. Nhiều địa phương đã hình thành sản phẩm du lịch mạo hiểm đặc thù hấp dẫn, bước đầu trở thành thương hiệu du lịch của địa phương. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, trước khi phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm, cần đánh giá tác động đối với ngành du lịch để lựa chọn ưu tiên phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Trở lại với tai nạn xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng, chắc chắn không ai mong muốn những điều rủi ro xảy ra, và giới chuyên gia trong ngành cho rằng, đây cũng là lúc cần hành động mạnh mẽ, thiết thực, đồng bộ hơn nữa để đảm bảo an toàn cho du khách trong mọi tình huống.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam): Doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế; tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật về kinh doanh du lịch mạo hiểm và nâng cao chất lượng dịch vụ, thường xuyên kiểm tra chất lượng, điều kiện an toàn, điều kiện vệ sinh sạch sẽ đảm bảo theo tiêu chuẩn.

Có thể nói, du lịch mạo hiểm là sản phẩm có thị trường tương đối rộng, nhu cầu đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững loại hình, sản phẩm này theo hướng chuyên nghiệp, chắc chắn không thể làm đại trà. Theo các chuyên gia, cần tập trung phát huy thế mạnh tài nguyên du lịch, mang bản sắc văn hóa địa phương. Đặc biệt, yếu tố an toàn tuyệt đối cho du khách trong mọi tình huống phải được đặt lên hàng đầu.

Tăng cường quản lý các điểm đến du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác quản lý điểm đến. Theo đó, Bộ VHTTDL yêu cầu các doanh nghiệp du lịch, ban quản lý các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan; chủ động kiểm tra, nâng cấp cơ sở vật chất, quy trình phục vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; tuân thủ các quy định về phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở kinh doanh du lịch; có biện pháp bảo vệ môi trường du lịch, thu gom, xử lý rác thải, chất thải đúng quy định; thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; các hành vi vi phạm pháp luật du lịch và pháp luật liên quan. Cũng theo văn bản, Bộ VHTTDL đề nghị, thực hiện công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại điểm đến...

H.Minh

An Bình