Tạo không gian phát triển mới

Chu Ninh 31/10/2023 08:01

Hôm nay, ngày 31/10/2023, hạn cuối để các tỉnh, thành hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tạo không gian phát triển mới với tư duy mới, tạo giá trị mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, bản sắc của các địa phương, cộng đồng dân cư.

Theo Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, chậm nhất ngày 31/10/2023, UBND cấp tỉnh phải gửi phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đến Bộ Nội vụ. Trước đó, giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó, cả nước đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền các địa phương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp đều được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Có thể nói, nền kinh tế - xã hội nước ta đang phát triển trong bối cảnh mới với những điều kiện mới mang tính thời đại, khiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một quá trình không thể trì hoãn. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa tổ chức bộ máy hành chính cấp cơ sở (huyện, xã) mà còn tạo ra môi trường phát triển thuận lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính là bước quan trọng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Để đạt được mục tiêu sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên phạm vi cả nước, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, nhất là từ các bộ ngành chức năng. Cần có các văn bản hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, kịp thời và khoa học để định rõ các quy trình và tiêu chí đánh giá, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Dĩ nhiên, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính không thể không vấp phải những trở lực, khó khăn từ câu chuyện “tách, nhập”, tác động trực tiếp đến hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức, cũng như kéo theo không ít điều chỉnh liên quan đến đời sống kinh tế, giao dịch dân sự... do sự thay đổi đơn vị hành chính ở nhiều nơi. Điều này bao gồm việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng, bố trí lại vị trí việc làm, và quản lý tài sản công. Giải quyết những thách thức một cách linh hoạt, sáng tạo, minh bạch và khoa học sẽ giúp quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã diễn ra thuận lợi.

Một trong những mục tiêu chính của việc sắp xếp là tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính và biên chế, nhằm tiết kiệm nguồn lực và ngân sách, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo phát triển, nâng cao năng lực phục vụ nhân dân của các “công bộc”, tạo điều kiện thu hút và “giữ chân” những người có năng lực, tận tâm phục vụ trong hệ thống công quyền.

Cho dù gặp không ít khó khăn cần phải giải quyết thấu đáo, thế nhưng việc thực hiện kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 là hệ trọng và cấp thiết, nhằm nâng cao hiệu quả vận hành của các cấp chính quyền địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Sự đồng thuận và cách làm khoa học vì lợi ích của người dân là những yếu tố đẩy nhanh quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tạo ra những kết quả tích cực cho từng địa phương và cả quốc gia trong giai đoạn phát triển mới.

Chu Ninh