Kinh tế Nhật Bản đang hồi phục
Nhật Bản - nền kinh tế thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi khi lạm phát tháng 9 ở mức 3%, thấp nhất trong vòng một năm qua.
Phát biểu tại phiên họp bất thường của quốc hội Nhật Bản mới đây, Thủ tướng Fumio Kishida cam kết thúc đẩy năng lực cung cấp để tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, với sự trợ lực của việc tăng lương, cắt giảm thuế và đầu tư. Các biện pháp được thực hiện trong vòng 3 năm nhằm thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản vốn bị kìm hãm bởi lạm phát cao và tăng lương chậm.
Các giải pháp dứt khoát
Thủ tướng Kishida nêu rõ, chính phủ sẽ "ưu tiên kinh tế trên hết, với sự quyết tâm không lung lay và các giải pháp dứt khoát, không trì hoãn". Kết thúc tháng 10, chính phủ đưa ra gói kích thích kinh tế mới đồng thời đệ trình ngân sách bổ sung cho tài khóa hiện tại (đến hết tháng 3/2024). Để đối phó với lạm phát, ông Kishida cho biết, chính phủ sẽ gia hạn trợ cấp cho các mặt hàng xăng dầu, điện và khí đốt đến mùa xuân tới, thay vì đến cuối năm. Chính phủ cũng sẽ giảm thuế cho các công ty dự định tăng lương cho nhân viên.
Tháng 9, lạm phát cơ bản (chỉ số đo mức lạm phát loại trừ một số mặt hàng dễ thay đổi giá như lương thực và năng lượng) của Nhật Bản giảm xuống mức 3% lần đầu tiên sau hơn một năm. Tháng 10, tuy chưa có con số chính thức nhưng truyền thông Nhật Bản dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ thấp hơn, ở mức 2,7% , dù như thế là chưa đạt mục tiêu Ngân hàng Trung ương (BOJ) đưa ra. Chỉ số lạm phát tháng 10 sẽ được BOJ đưa ra tại cuộc họp vào ngày cuối tháng.
Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty tư vấn kinh tế Capital Economics có trụ sở ở London, cho biết: "Lạm phát suy yếu trong tháng 9 và 10, chúng tôi cho rằng lạm phát ở Nhật Bản sẽ giảm xuống 2% vào cuối năm ".
Chỉ số lạm phát cơ bản được BOJ theo dõi chặt chẽ như một thước đo “sức khỏe” nền kinh tế. Shinke Yoshiki – nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life cho rằng với những gì đang diễn ra, Nhật Bản hoàn toàn tự tin kinh tế hồi phục kéo giảm lạm phát trong năm nay kể cả khi giá dầu tăng đột biến và đồng Yên giảm giá.
Ông Yoshiki nói thêm rằng, lạm phát cơ bản của Nhật Bản có thể giảm xuống dưới 2% vào thời điểm nửa đầu năm 2024.
Mặc dù chỉ số lạm phát của Nhật Bản vẫn cao hơn so với mục tiêu đề ra, theo đánh giá của các nhà quản lý, với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng lương của chính phủ, kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục phục hồi trên cả lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất.
Ngày 2/11, theo dự kiến, Chính phủ của Thủ tướng Kishida sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế mang tính tổng thể.
Sức sống mới của Tokyo
Người dân Nhật Bản hiện đã cảm thấy “dễ thở” hơn. Himari, sinh viên, nói rằng khu phố Harajuku “thiên đường thời trang” của giới trẻ Tokyo đã “sống lại”. Theo mô tả của cô, từ buổi chiều cho đến giữa đêm, khu phố này rất tấp nập. Tất nhiên người dạo chơi vẫn nhiều hơn người mua, nhưng không khí khác hẳn so với hai tháng trước, khi hầu hết nhân viên bán hàng ngồi chơi.
Bà Hinata, nội trợ, cho rằng Tokyo “phồn vinh trở lại” khi các siêu thị đầy ắp hàng hóa với giá cả phải chăng. Khu phố Ginza, “thánh địa mua sắm” cho cả người trong nước lẫn du khách nước ngoài đêm đến lấp lánh ánh đèn, nổi bật với những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Dior, Tiffany & Co, Chanel... bên cạnh những cửa hàng bách hoá hàng đầu Nhật Bản như Tokyo Wako, Mitsukoshi và Matsuya.
“Những bà nội trợ như tôi thích nhất khi tới Ginza là ghé chợ cá Tsukiji, ở đó có tất cả các loại hải sản tươi sống” - bà Hinata nói.
Cũng ở Tokyo, có một nơi được gọi là “phố phụ kiện”. Đó là Takeshita, nằm ở trung tâm khu vực Harajuku nổi tiếng. Takeshita là một địa chỉ yêu thích của giới trẻ Nhật Bản. Con phố này cung cấp đồ trang sức, phụ kiện độc đáo, thậm chí kỳ quái.
Chủ những cửa hàng ở đây đa phần còn trẻ. Hatano - một người bán phụ kiện nói: “Khách mua phần lớn là người trẻ nên bán hàng cũng là người trẻ, vì chúng tôi hiểu nhau hơn”. Anh cũng cho biết, khi Tokyo tấp nập trở lại, anh đã bỏ ý định trở về quê hương Mitagi sinh sống.
Thống đốc BOJ cho biết, trong trường hợp dự báo lạm phát được điều chỉnh tăng thì cũng sẽ không dẫn tới một sự dịch chuyển chính sách. Vấn đề quan trọng hơn có thể dẫn tới thay đổi chính sách là liệu vòng xoáy tăng lương - tăng lạm phát có trở nên bám rễ sâu ở Nhật Bản hay không. Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Nhật Bản có thể vượt qua được những trở ngại từ sự giảm tốc của nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu, qua đó cho phép các doanh nghiệp có thể duy trì việc tăng lương trong năm tới và sau đó.