Để người nghèo vươn lên thoát nghèo

M.Loan-H.Vũ 31/10/2023 07:58

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

ĐBQH Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) phát biểu tại Quốc hội ngày 30/10. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều điểm sáng

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25 ngày 28/7/2021, có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Ngoài chính sách chung, Chương trình còn có 6 chuyên đề trọng tâm và thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Về giải ngân vốn, theo số liệu của Bộ Tài chính lũy kế đến hết tháng 6/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%. Tính đến 30/6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình NTM. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 2 tiêu chí đã vượt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, 8 tiêu chí đánh giá là gần đạt được mục tiêu.

Kết quả giám sát cũng cho thấy, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước, có 48 tỉnh sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Kết quả cho thấy giai đoạn 2021-2025, mục tiêu về giảm nghèo cao hơn so với các giai đoạn trước, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững nhưng địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình tập trung các “lõi nghèo” khó khăn nhất của cả nước. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu “Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”; tuân thủ các nguyên tắc, giải pháp theo Nghị quyết 24. Nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo đạt hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

Điển hình năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, tuy chưa đạt so với mục tiêu Quốc hội giao nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức thấp thì kết quả giảm nghèo cũng là một nỗ lực được ghi nhận. Năm 2022, hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo DTTS giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra.

Trong khi đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng. Chương trình gồm 10 dự án, 14 Tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh. Theo đó, quá trình triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu tổng quát của Chương trình là “Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước”. Chương trình thực hiện đã tích hợp trên 118 văn bản chính sách dân tộc ở giai đoạn trước, do đó bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp thiết về kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo Báo cáo của Chính phủ tỷ lệ hộ nghèo DTTS năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế - xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của Chương trình.

Tránh sự chồng chéo trong tổ chức thực hiện

ĐB Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc Quốc hội phê duyệt chủ trương 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp với thực tế và đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thuận lợi, tránh sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện, bà Kiều kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách nhà nước để thực hiện cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vì mỗi chương trình ban hành một cơ chế quy định riêng, dễ gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện, đồng thời dễ gây bất đồng, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.

Còn theo ĐB Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái), văn bản hướng dẫn đôi khi lại dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa phương miền núi vùng cao địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn” - ông Luận kiến nghị.

ĐB Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) cho biết, nhiều người nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nên khi triển khai bị chậm tiến độ. Do đó, thời gian tới cần phải tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào DTTS. Bởi vì khi người dân nắm được hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi, hiệu quả mang lại thực sự bền vững, lâu dài.

Cùng chung quan điểm, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) nói rằng giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. “Một gia đình có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi một thành viên lâm bệnh nan y. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình nghèo có thể thoát nghèo. Điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thế chính có ý thức vươn lên. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Cho nên cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này” - ông Nghĩa nói.

Cho rằng, một bộ phận người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”, ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đề nghị, cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các Chương trình, phải đảm bảo mang tính bền vững cao, và đây mới là giải pháp căn cơ.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, không ai sinh ra muốn mình nghèo và cũng không muốn thoát nghèo, chỉ là chưa có điều kiện thoát nghèo. Đáng chú ý, thời gian qua đã có nhiều người dân làm đơn xin thoát nghèo, nhường suất cho hộ khác để tự mình vươn lên. Đây là điều rất đáng ghi nhận.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh:

Đẩy mạnh cơ chế phân cấp cho các địa phương

Hệ thống chính sách liên quan đến nhiều văn bản, bao trùm ở nhiều lĩnh vực, nhiều bộ, ngành nên việc ban hành văn bản có sự trùng lặp giữa văn bản đang có hiệu lực và văn bản của các bộ, ngành. Thực tiễn nảy sinh nhiều vấn đề nên thời gian tới sẽ tham mưu để tháo gỡ. Việc giải ngân chậm là do chủ quan và khách quan, hiện đang vướng do vốn sự nghiệp. Lâu nay người dân và cử tri mong muốn giao cho địa phương nên vừa qua Uỷ ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế này để phân cấp cho các địa phương. Nếu tháo gỡ được thì giải ngân sẽ nhanh hơn và đảm bảo yêu cầu như Quốc hội đề ra.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan:

Giải ngân là mục tiêu hàng đầu

Hệ thống văn bản cồng kềnh do cộng gộp 3 chương trình nên hệ thống văn bản cộng dồn từ các bộ, ngành. Nên sự phối hợp chưa chặt chẽ. Còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới để tháo gỡ. Mục tiêu giải ngân là hàng đầu, bên cạnh đó là đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra để phát triển bền vững. Chương trình xây dựng NTM có cơ chế riêng cho 6 vùng nhưng có ý kiến có sự chênh lệch về đặc thù cơ chế nhưng sự đặc thù giữa các vùng đã có từ trước. Nên thời gian tới cần sự tính toán. Thiết kế chính sách hỗ trợ tạo ra năng lực cụ thể cho địa phương, phát huy hết năng lực của cộng đồng.

M.Loan-H.Vũ