Ưu tiên phát triển giao thông công cộng bền vững, thân thiện môi trường
Thời gian qua, tại Việt Nam, ô nhiễm không khí ở các địa phương trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Vì vậy, chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng phương tiện điện đang được đề cao.
Phát thải ngày càng tăng cao
Theo thống kê, một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí là phát thải từ hoạt động của các loại phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam hiện có khoảng 5,4 triệu ô tô và 72 triệu xe mô tô, xe gắn máy đã được đăng ký. Hiện nay, để cải thiện tình trạng này xu hướng chung của các quốc gia phát triển hiện nay là hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của phương tiện sử dụng xăng và dầu diesel.
Theo đó, các chính sách ưu tiên phát triển, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông vận tải, hệ thống vận tải công cộng thân thiện môi trường (xe buýt CNG/điện, taxi điện, đường sắt đô thị...). Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Bà Nguyễn Phương Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển GTVT cho rằng, tại Việt Nam, ô nhiễm không khí ở các địa phương trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Việc chuyển đổi chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng phương tiện điện, thân thiện môi trường của Chính phủ được các doanh nghiệp vận tải ủng hộ.
Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho hay, trong bối cảnh các doanh nghiệp vận tải bị tác động lớn và đang từng bước phục hồi sau dịch Covid-19 dẫn đến sụt giảm sản lượng, đoàn phương tiện không được khai thác, thói quen đi lại của người dân thay đổi... cần có thời gian để phục hồi sản xuất, kinh doanh và xây dựng lộ trình chuyển đổi từng bước, hài hòa, phù hợp với đặc thù ngành kinh doanh vận tải và tránh gây xáo trộn, lãng phí.
Tuy nhiên, để đầu tư một xe buýt điện, chi phí có giá thành rất cao (xấp xỉ khoảng 7 tỷ đồng/phương tiện) là áp lực lớn lên chi phí đầu tư, chi phí lãi vay và chi phí trợ giá...
Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có đơn giá định mức cho loại hình phương tiện này, chưa có các chính sách hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư buýt điện, mới chỉ có một doanh nghiệp đầu tư xe buýt điện hoạt động tại Hà Nội, TP HCM và Phú Quốc.
Mặt khác, đối với các phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định, có đặc thù cự ly vận chuyển xa, nhiều doanh nghiệp và HTX vận tải nhỏ, lẻ, việc đầu tư chuyển đổi đoàn phương tiện thân thiện với môi trường được đánh giá rất khó khăn nếu không có các ưu đãi, hỗ trợ về vốn vay, đầu tư hạ tầng (trạm sạc/trạm tiếp nhiên liệu, trạm biến áp...
Phấn đấu đến năm 2050 phát thải ròng bằng "0"
Viện Chiến lược và phát triển GTVT chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu. Vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050.
"Hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050 và tăng trưởng xanh ngành GTVT, Bộ GTVT đã giao cho Viện Chiến lược và phát triển GTVT thực hiện nghiên cứu "Xây dựng chương trình quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện", bà Hiền cho hay.