Hội văn học nghệ thuật Đắk Lắk phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam
Ngày 31/10, Hội văn học nghệ thuật (VHNT) Đắk Lắk tổ chức tọa đàm 80 năm đề cương văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam; văn học nghệ thuật Đắk Lắk.
Tham dự có lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; lãnh đạo Phòng PA 03 Công an tỉnh; Lãnh đạo Ban tuyên huấn Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk, Quân sự tỉnh; các nhà khoa học, giảng viên các Sở, ngành, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh; Giảng viên trường Đại học Tây Nguyên; các nhà khoa học, giảng viên chuyên ngành văn hóa, văn học hiện đại đang công tác tại các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài tỉnh; Lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk…
Phát biểu khai mạc, Nhà văn Niê Thanh Mai, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk cho biết: Tỉnh Đắk Lắk ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là nơi hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa của các dân tộc trên vùng đất này đa dạng, nhiều sắc màu. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Ê-đê, M’nông, Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc từ các tỉnh vùng Tây Bắc như Tày, Thái, Nùng, Mông, Dao, Hoa… Đắk Lắk cũng là vùng đất của lễ hội. Hàng trăm năm qua, lễ hội của đồng bào các DTTS tại Đắk Lắk gắn liền với rừng núi và cộng đồng đã tạo nên sắc thái riêng biệt và hấp dẫn.
“Với đặc thù là vùng đất lành hội tụ các dân tộc trong cả nước, Đắk Lắk đã hình thành ba dòng văn hóa giàu bản sắc. Đó là văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên – Trường Sơn, văn hóa của các DTTS phía Bắc và văn hóa dân tộc Kinh mang đủ sắc thái ba miền Bắc – Trung – Nam. Ba dòng văn hóa giao thoa và bồi đắp, trải qua năm tháng đã tạo nên nền văn hóa Đắk Lắk những nét đặc trưng riêng biệt với các vùng miền trong cả nước. Đó là trong văn hóa cộng đồng có sự hội tụ của văn hóa nhà dài của người Ê đê, M’Nông xen với văn hóa nhà rông của người Ba-Na, Gia-Rai lẫn với văn hóa nhà sàn của người DTTS phía Bắc như Thái, Mường, Nùng, Dao lẫn với văn hóa đình làng của người Việt.
Sự đa dạng trong văn hoá, bản sắc và cộng đồng các dân tộc là điều kiện để VHNT lấy chất liệu từ dân gian phát triển mạnh mẽ. Thông qua hoạt động sáng tạo, các văn nghệ sĩ góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa và các giá trị đạo đức tốt đẹp, quảng bá về hình ảnh và con người của vùng đất đến với công chúng yêu văn học nghệ thuật trong vùng và khắp cả nước”, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Chiến Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk nhấn mạnh: Đây là dịp để nhìn nhận, hiểu sâu hơn và đưa ra những đánh giá, làm rõ các vấn đề cơ bản như: Phân tích làm rõ quan điểm cơ bản về văn hoá, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hoá Việt Nam; làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương trong việc xây dựng và phát triển VHNT Việt Nam nói chung và VHNT Đắk Lắk nói riêng; đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng và phát triển VHNT thời kỳ đổi mới và hội nhập…
Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng mong muốn các nhà nghiên cứu, các đại biểu, nhà khoa học, các đồng chí là lãnh đạo Ban Tuyên giáo các huyện, thị xã và thành phố cùng đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục nghiên cứu; có những dự báo để văn hóa, văn nghệ tham gia và đóng góp sâu sắc hơn vào nhu cầu hưởng thụ văn hoá, văn nghệ của người dân; hình thành một hệ giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc; đáp ứng được với sự phát triển của đất nước, của tỉnh nhà phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Tại buổi tọa đàm đã có nhiều bài phát biểu tham luận về giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam trong việc giữ gìn văn hóa các dân tộc Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay; 80 năm vẫn còn chưa cũ; Phương pháp luận tiếp cận Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943; Bản lĩnh kiến tạo sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa các dân tộc thiểu số;nguồn lực của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thực trạng một số giải pháp, khuyến nghị; phát triển văn hóa dân tộc người ở tỉnh Đắk Lắk; việc thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị Khóa X về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới; các giải pháp giữ gìn văn hóa các dân tộc trong giai đoạn mới; Giải pháp giữ gìn văn hóa cồng chiêng; giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa nghệ thuật quần chúng...
Trong bài phát biểu tham luận, Bà Võ Thị Phượng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Đắk Lắk đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bấp cập như: Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thường xuyên. Nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và hoạt động văn học nghệ thuật còn thấp; chế độ nhuận bút chưa tương xứng với lao động, sáng tạo; công tác đầu tư phát triển lực lượng văn nghệ sĩ, văn học, nghệ thuật của tỉnh chưa thật sự được chú trọng…
Để tiếp tục phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Đắk Lắk đã đề xuất các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ đảng viên, văn nghệ sĩ, nhân dân các nội dung về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, lâu bền của Đề cương văn hóa Việt Nam cũng như kết quả thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, Nghị quyết Đại hội, đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk; bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị Khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hóa; Tiếp tục quan tâm đầu tư, chế độ chính sách trên lĩnh vực văn hóa; các tác phẩm VHNT phải bám sát thực tiễn, đúng đường lối của Đảng, hướng về nhân dân, phục vụ sự nghiệp đổi mới, kiến thiết đất nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, ngợi ca con người, bảo vệ chân lý và những giá trị tốt đẹp phê phán, lên án cái ác, cái bất công, cái xấu, hướng con người vươn tới những giá trị chân thiện mỹ; đẩy lùi những tư tưởng cực đoan, phiến diện, sai lầm, ngăn chặn những hiện tượng con đường sai trái, thù địch len lỏi vào đời sống văn hóa…
Chú trọng kiểm soát việc xuất bản, phát hành công chiếu các tác phẩm VHNT gây tổn hại đến lợi ích, quốc gia dân tộc. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ Đảng viên, văn nghệ sĩ, nhân dân trong việc tuân thủ quy định về phát ngôn, đưa thông tin tác phẩm lên mạng xã hội; khuyến khích các nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ, quần chúng có uy tín, tham gia sáng tác, bảo tồn truyền dạy, phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tiếp tục thực hiện sáng tác, quảng bá và tác phẩm VHNT về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ca ngợi đất nước, con người, quê hương Đắk Lắk đi vào chiều sâu thiết thực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Đẩy mạnh xã hội các hoạt động văn hóa, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Tập trung xây dựng con người Đắk Lắk phát triển toàn diện, hướng đến cái chân, thiện, mỹ. Góp phần quan trọng, đưa văn hóa thực sự trở thành nền tàng tinh tần vững chắc của xã hội là sức mạnh nội sinh, quan trọng bảo đảm và phát triển bền vững, xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng là vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.