Ngại ngần bữa ăn bán trú
Phụ huynh bức xúc khi thấy bữa ăn bán trú ở trường của con chỉ lèo tèo vài cọng giá, một miếng giò, miếng cá rán, một ít khoai tây. Hôm khác, thực đơn thay miếng giò bằng một lát thịt mỏng. Quả thực, bữa ăn của học sinh ở các trường bán trú, nội trú không đủ chất dinh dưỡng đã và đang trở thành một mối lo.
Việc phụ huynh học sinh một trường Trung học cơ sở ở quận Hà Đông (Hà Nội) bức xúc phản ánh suất ăn bán trú cho con giá 32.000 đồng nhưng cho rằng thực phẩm nhập vào chỉ vào khoảng 5.000 - 6.000 đồng, đã khiến dư luận rất bất bình. Trước đó, cũng ở trường này, học sinh còn thấy cả sâu trong món rau.
Bức xúc đến độ một số phụ huynh đã đột xuất kiểm tra bữa ăn bán trú của học sinh nhà trường, lập biên bản, làm việc với lãnh đạo nhà trường, đề xuất nhà trường cần cung cấp đủ định lượng thức ăn đã quy định. Ngoài ra, phụ huynh cũng yêu cầu phía công ty cung cấp số lượng, chi phí của 1 suất ăn đã bóc tách từng phần và trừ đi chi phí khác ngoài thực phẩm để chia ra định lượng trong từng suất ăn.
Còn tại TPHCM, vừa qua liên quan đến vụ việc phụ huynh phát hiện có thực phẩm hư hỏng tại kho thực phẩm của công ty cung cấp suất ăn cho một trường Tiểu học ở Thủ Đức, tới nay đã có 5 trường trên địa bàn tạm ngưng cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh.
Đáng nói là trước đó, giữa tháng 9/2023, UBND TP Thủ Đức đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căngtin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn, năm học 2023-2024.
Bữa ăn bán trú của học sinh trong trường học “lèo tèo”, nguy hiểm hơn là còn ẩn chứa ngộ độc thực phẩm. Giữa tháng 10/2023, hơn 30 học sinh một trường Trung học cơ sở ở quận 4 TPHCM) bất ngờ đau bụng sau bữa ăn bán trú buổi trưa ở trường. Còn 28 học sinh Tiểu học ở tỉnh Thái Bình bị ngộ độc sau liên hoan Trung thu ở lớp.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bữa ăn bán trú ngoài yếu tố an toàn thì cần phải đảm bảo chất lượng. Đối với năng lượng của các bữa ăn cho học sinh tại trường học, cần bảo đảm theo tỉ lệ chung, theo từng nhóm tuổi. Các trường học cần bảo đảm xây dựng thực đơn bữa ăn khoa học, cân đối, hợp lý, thực đơn bữa ăn học đường phải bảo đảm đa dạng thực phẩm. Chế biến gồm có món xào, món mặn, món canh, món tráng miệng. Bà Lâm dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới khi cho rằng một bữa ăn tại trường của học sinh cần có thực phẩm giàu chất đạm, chất bột đường, rau, trái cây, sữa. Trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. “Khẩu phần ăn không đáp ứng đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới cân nặng và chiều cao của trẻ” - bà Lâm nhấn mạnh.
Để xảy ra tình trạng bất cập với bữa ăn bán trú trong trường học, trước hết là trách nhiệm của nhà trường. Tổ chức bữa ăn bán trú ở nhiều trường học, nhất là các trường học ở đô thị, miền núi, vùng sâu vùng xa là việc cần phải làm, nhưng cũng chính vì thế mà trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường càng phải phát huy. Từ việc chọn để ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm thường xuyên, cho đến kiểm tra vệ sinh, định suất từng bữa ăn. Tiếp đến là trách nhiệm của đơn vị cung cấp thực phẩm, tuyệt đối không vì lợi nhuận mà đưa thực phẩm ôi thiu vào trường học. Cơ quan an toàn thực phẩm địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên đối với những cơ sở này.
Bên cạnh đó, vai trò của hội phụ huynh học sinh cũng cần được phát huy. Hội phụ huynh học sinh không chỉ làm công việc vận động phụ huynh đóng góp mà còn cần phối hợp với nhà trường giám sát bữa ăn của học sinh. Đây cần phải coi là hoạt động giám sát thường xuyên, bình thường giữa hội cha mẹ học sinh với nhà trường, chứ không phải là làm khó nhà trường.
Không phải việc gì cũng đẩy sang cho cơ quan chức năng, nhất là với bữa ăn bán trú của học sinh trong trường học, thì trách nhiệm trực tiếp phải là nhà trường, phụ huynh thực hiện giám sát hằng ngày. Chỉ có như vậy, bữa ăn bán trú trong trường học mới bảo đảm an toàn, cũng như không bị “xà xẻo” đến độ không thể chấp nhận.