Ấn Độ trong cuộc chiến chống virus chết người Nipah
Nipah đã làm thiệt mạng 2 người, khiến hàng trăm người phải cách ly ở Ấn Độ trong đợt bùng phát mới nhất là lý do nhiều lãnh đạo thế giới muốn có hiệp ước toàn cầu ngăn chặn virus chết người này.
Lây lan nhanh chóng
Hơn hai tuần sau khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên, các bác sĩ ở bang Kerala, Ấn Độ nhận ra họ đang điều trị loại bệnh do virus Nipah gây ra. Đến lúc đó, hàng trăm người đã tiếp xúc với mầm bệnh. Đây đợt bùng phát virus Nipah lần thứ tư trong vòng 5 năm ở Kerala.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để ngăn chặn sự lây lan của đợt bùng phát, cần triển khai đội ngũ để phong tỏa Kerala trong hai tuần, khảo sát hơn 53.000 ngôi nhà để truy vết và theo dõi 1.200 người tiếp xúc với những người nhiễm bệnh.
Theo nhiều nhà khoa học và các nhà lãnh đạo y tế thế giới, mặc dù phản ứng của chính quyền Kerala trong việc ngăn chặn dịch bệnh đã nhận được sự khen ngợi của quốc tế nhưng sự lây lan nhanh chóng của virus và tác động của nó đối với hàng chục nghìn người cho thấy những điểm yếu trong chính sách y tế công cộng địa phương khi chỉ dựa vào việc ngăn chặn dịch bệnh. Các nhà khoa học cho rằng, các chính quyền cũng phải kiểm soát việc sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường sống của động vật ở những khu vực có nguy cơ cao mầm bệnh lây từ động vật sang người, hiện tượng được gọi là lan tỏa.
Virus Nipah liên quan đến cái chết của 20 người ở Kerala kể từ năm 2018. Trận dịch năm 1998-1999 ở Malaysia giết chết ít nhất 105 người. Hàng trăm người đã chết trong các đợt bùng phát hầu như năm nào cũng diễn ra ở Bangladesh kể từ 2001.
Các nhà điều tra vẫn chưa biết chính xác làm thế nào virus lây từ dơi sang người trong 4 đợt bùng phát ở Kerala. Nhưng giới chức y tế xét nghiệm những con dơi đậu gần nhà dân cho kết quả dương tính với Nipah, kể cả trong đợt bùng phát mới nhất. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết những người mắc bệnh do ăn hoặc chạm vào trái cây nhiễm virus hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, nước tiểu, phân hoặc máu của dơi nhiễm bệnh.
Đợt bùng phát gần đây và ba đợt trước đó diễn ra trong bối cảnh có tình trạng giảm số lượng cây xanh. Sau suy thoái do đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo bang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế. Tại quận Kozhikode, nơi xảy ra ba trong số bốn đợt bùng phát dịch, chính quyền địa phương cấp hàng chục nghìn giấy phép xây dựng nhà mới mỗi năm. Nhà mọc đến đâu, cây cối trên những ngọn đồi, môi trường sống chính của loài dơi ăn quả mang virus Nipah, bị chặt bỏ đến đó.
Theo một phân tích về dữ liệu sinh thái của Reuters, việc chặt bỏ cây cối trên diện rộng tạo điều kiện lý tưởng cho sự lan tỏa virus. Các nhà nghiên cứu cho biết, môi trường bị thu hẹp, dơi nay trú ngụ ở các khu vực đông dân cư với số lượng lớn. Chúng bị thu hút bởi trái cây trong trang trại, trong vườn nhà, thay thế chế độ ăn tự nhiên trước đó là mật hoa và trái cây dại.
Bảo vệ môi trường sống
Bài học đến vào thời điểm quan trọng, khi các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu đang thảo luận về một thỏa thuận ràng buộc pháp lý để ứng phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu trong tương lai. Mặc dù nhiều người ủng hộ các biện pháp ngăn chặn hiệu ứng lan tỏa, nhưng khó khăn chính trong các cuộc đàm phán cho đến nay là cân bằng nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi trước nguy cơ phát triển không được kiểm soát. Bởi vì rủi ro lan tỏa tập trung ở các quốc gia thu nhập thấp ở vùng nhiệt đới nam bán cầu, chi phí ngăn chặn một đại dịch đổ dồn vào những quốc gia có ít khả năng chi trả nhất.
Ông Subrat Mohapatra - quan chức Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Ấn Độ - cho rằng, ngăn chặn virus lây lan ở dơi không chỉ đòi hỏi phản ứng nhanh chóng trước các đợt bùng phát mà còn phải theo dõi đàn dơi. Các quan chức liên bang và tiểu bang đang bàn cách bảo vệ môi trường sống của loài dơi ở những khu vực có nguy cơ lây lan cao.
Phân tích các điều kiện môi trường và các yếu tố khác góp phần gây ra hiện tượng lan tỏa giúp xác định các khu vực nguy hiểm để chính phủ có thể thực hiện các bước nhằm giảm thiểu rủi ro. Một phân tích độc quyền của Reuters hồi tháng 5 vạch ra lộ trình rõ ràng của việc này.
Các nhà nghiên cứu so sánh điều kiện sinh thái toàn cầu từ 2002 đến 2020 với những điều kiện tồn tại vào thời điểm xảy ra đợt lây lan trong quá khứ, xác định 9 triệu km2 – bao phủ 6% diện tích đất liền trên trái đất – là nơi có điều kiện chín muồi để mầm bệnh lây từ dơi sang người. Gần 1,8 tỷ người sống ở những vùng này vào năm 2020, tăng 57% kể từ năm 2002. Phân tích cho thấy, Kerala là một trong những nơi dễ xảy ra hiện tượng lan tỏa nhất trên trái đất.
Ông Bhupender Yadav - Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Ấn Độ - cho biết, các quan chức chính phủ đang thảo luận về sự cần thiết phải tạo ra “các khu bảo vệ sinh thái” ở những nơi có nguy cơ lan tỏa Nipah cao.
Người đứng đầu cơ quan y tế Kerala Veena George cho biết, chính quyền bang đã thành lập một trung tâm nghiên cứu Nipah mới ở Kozhikode để điều tra lý do tại sao tình trạng lan tỏa tiếp tục xảy ra và cách ngăn chặn. Các nhà nghiên cứu sẽ xem xét nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng mất cây, hoạt động nông nghiệp, đô thị hóa và nhận thức của cộng đồng, những hành động cần thiết của chính phủ để giảm thiểu rủi ro.
Ông P.O Nameer, hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Kerala cho biết: “Đã có bằng chứng cho thấy, những con dơi bị căng thẳng do sự gián đoạn môi trường sống có thể phát tán nhiều virus hơn, làm tăng thêm mối lo ngại. Chúng ta cần bảo vệ môi trường sống của chúng”.