Vì sao tín dụng đen vẫn có đất sống?
Thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhưng không theo kịp nhu cầu của người vay đã khiến tín dụng đen vẫn nảy nở.
Tín dụng đen “trỗi dậy” cuối năm
Tại hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen” ngày 31/10, thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, thời gian tới tình hình kinh tế, lao động, việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn, cùng với nhu cầu tài chính cuối năm tăng cao sẽ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ tín dụng đen.
Theo ông Sơn, lực lượng công an đã khởi tố nhiều vụ án và bị can liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Trong đó có nhiều băng nhóm hoặc nhóm đối tượng hoạt động liên quan công nghệ cao, có cả sự tham gia của người nước ngoài...
"Các đối tượng tín dụng đen gia tăng hoạt động lưu động, gây án ở nhiều địa bàn, triệt để lợi dụng công nghệ, mạng xã hội, ứng dụng, website... phát tán tờ rơi, quảng cáo để mời chào cho vay, nhất là đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên…" - ông Sơn cho biết.
Từng bị thất nghiệp trong năm 2022 và không có thu nhập ổn định trong suốt một năm, anh H.T.N.A (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho hay, anh phải vay tiền qua app (ứng dụng) trên mạng để trang trải cuộc sống, từ việc vay tiền ở một app, anh đã phải vay đến 12 app. Số tiền vay ban đầu chỉ 20 triệu đồng, rồi dần đội lên 60 triệu đồng và cuối cùng vọt lên 215 triệu đồng bao gồm cả gốc lẫn lãi.
“Vay qua app là cả một cực hình, vì cứ đến ngày là có điện thoại “nã”. Chỉ cần chậm nợ 2 hôm là điện thoại của em trai tôi cũng nhận được tin nhắn đòi nợ. Trì hoãn với gia đình mãi tôi cũng phải báo với bố mẹ để nhờ bố mẹ trả” – anh H.T.N.A chia sẻ. Nhiều người dân từng vay tín dụng đen cũng cho biết, họ luôn thấp thỏm lo xã hội đen đòi nợ.
Nhu cầu tài chính của nhiều người không chỉ dừng ở xu hướng vay mua nhà, mua xe mà nó có trong tất cả các giai đoạn sống với các sản phẩm đa dạng từ mua sắm tài sản, nhà cửa cho đến chi phí cho giáo dục, y tế, du lịch… đặc biệt khi thu nhập không đủ bù đắp chi tiêu thì việc phát sinh nhu cầu vay mượn là điều không thể tránh khỏi. Do đó, nếu không nhận được hỗ trợ vốn từ các kênh chính thức như vay mượn người thân quen, vay mượn ngân hàng/công ty tài chính… người dân sẽ tìm đến tín dụng đen để có nguồn hỗ trợ tài chính.
Cho vay tiêu dùng cũng đang trong giai đoạn khó khăn
Đến thời điểm hiện tại, cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính là phương án thay thế tối ưu giúp xóa bỏ tín dụng đen. Hình thức cho vay này hội tụ những ưu thế về cách thức, đối tượng cho vay cũng như đảm bảo tính an toàn cho người đi vay. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng là giai đoạn khó khăn của các công ty tài chính khi mà các hội nhóm “rủ nhau bùng nợ” tràn lan trên mạng.
Ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cho biết, tín dụng tiêu dùng đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023 - theo thống kê của Fiingroup.
“Tại Việt Nam có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép, song các công ty này đang bị ảnh hưởng bởi hàng trăm công ty tín dụng đen” - ông Ninh trăn trở.
Núp dưới danh nghĩa công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ và bằng phương thức, thủ đoạn phát, dán tờ rơi, lập các website, các app ứng dụng trên điện thoại, sử dụng mạng xã hội zalo, facebook đăng tin quảng cáo cho vay tiền. Hoạt động "tín dụng đen" còn là nguy cơ gây bất ổn xã hội. Cho vay nặng lãi thường đi kèm với đòi nợ thuê.
Một số đối tượng còn lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen đã cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen, nên không trả nợ và thành lập hội “bùng nợ” trên zalo, facebook ... nhưng không bị xử lý. Từ đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dư nợ không tăng mà còn giảm. Hệ quả là tín dụng đen “trỗi dậy”.
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhấn mạnh tới việc phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 766 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen". Trong đó, nhấn mạnh những nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành để ngăn chặn hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Đồng thời, mở rộng các kênh cho vay chính thức, hợp pháp, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.
Đại diện CLB tài chính tiêu dùng kiến nghị, cần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng; tăng cường hoạt động truyền thông về tín dụng tiêu dùng chính thống; cơ quan chính quyền địa phối hợp răn đe các đối tượng khách hàng không trả nợ; nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý hợp đồng xử lý nợ chuyên nghiệp; áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính; xây dựng cơ sở dữ liệu danh sách đen tại các tổ chức tín dụng…
Núp dưới danh nghĩa công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ và bằng phương thức, thủ đoạn phát, dán tờ rơi, lập các website, các app ứng dụng trên điện thoại, sử dụng mạng xã hội zalo, facebook đăng tin quảng cáo cho vay tiền. Hoạt động "tín dụng đen" còn là nguy cơ gây bất ổn xã hội.