Khép lại tuần lễ vẻ đẹp của múa
Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 đã khép lại với chuỗi ngày so tài của các nghệ sĩ múa cả nước. Đây được coi là những “bữa tiệc” múa hấp dẫn.
Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 được chia làm 2 khu vực. Từ ngày 19-21/10 diễn ra tại TPHCM và từ 25-29/10 tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ, biên đạo múa chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, các tài năng múa ở mọi lứa tuổi, từ thiếu nhi, thiếu niên, U50… các nghệ sĩ đã đem đến 137 tiết mục hấp dẫn.
Theo Biên đạo Múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, các thí sinh gửi tiết mục dự thi, hội tụ đa dạng các loại hình nhảy múa như: Múa dân gian dân tộc; Ballet & Neo Classic; Đương đại, Pop Dance, Jazz, Hiphop, công trình nghiên cứu, nhiếp ảnh… là những nghệ sĩ, người yêu múa chuyên nghiệp và không chuyên, ở nhiều lứa tuổi, nhiều địa phương, trong nước và quốc tế.
Ngành múa Việt Nam được đón tiếp những người bạn quốc tế, các Đại sứ của các đại sứ quán, các Giám đốc Trung tâm văn hóa của các quốc gia có nền nghệ thuật múa phát triển, cùng hội tụ với những nghệ sĩ múa có nhiều cống hiến của Việt Nam, là những NSND, NSƯT, NGND, NGƯT, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nhiếp ảnh gia, nhà tài trợ và các nhà báo đã gắn bó và góp sức lan tỏa nghệ thuật múa.
NSND Hà Thế Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam nhấn mạnh, Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 là sự kiện khởi động cho nhiều hoạt động thiết thực với mong muốn hồi sinh những giá trị văn hóa và nghệ thuật đích thực đang dần mai một trong nhịp sống hối hả. Sự kiện quy tụ nhiều nghệ sĩ múa đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế cùng nhau thể hiện tài năng biểu diễn và sáng tạo tác phẩm. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời đối với công chúng cả nước, nhằm tiếp cận và nhận dạng muôn sắc thái của các hình thức sáng tạo nghệ thuật múa với nhiều thể loại khác nhau, phong phú về tính chất, đổi mới về nội dung, tìm tòi và khai thác vốn múa truyền thống của dân tộc, nhằm tôn vinh nghệ thuật múa trong bối cảnh phát triển chung đa chiều và toàn cầu hóa.
Ông Dũng cũng cho biết, các thí sinh đã thể hiện tinh thần thi đua tràn đầy năng lượng. Đêm khai mạc tối 27/10 được tổ chức hoành tráng với màn thảm đỏ vô cùng trang trọng có sự tham gia của các quan khách trong nước và quốc tế; các thế hệ nghệ sĩ, nhà giáo múa tài năng, danh tiếng. Không khí náo nhiệt của vũ điệu “Tay trong tay” của 6 vũ đoàn và các thí sinh tham dự cuộc thi càng làm “nóng” bầu không khí của Tuần lễ Múa Việt Nam. Đặc biệt, đêm diễn thi cuối cùng, đêm diễn của các thí sinh Cuộc thi múa dân gian dân tộc, dưới tiết trời mưa nặng hạt nhưng các thí sinh vẫn “cháy” hết mình để hoàn thành bài thi một cách xuất sắc.
Tất cả các hạng mục, từ biểu diễn dành cho người cao tuổi, đến các bảng tài năng nhảy múa dành cho các em thiếu niên, thiếu nhi hay bảng múa dân gian dân tộc đều được các thí sinh thể hiện đầy hào hứng, say mê. Hàng trăm tiết mục, tác phẩm múa đã được các thí sinh, nhóm thí sinh trình diễn tại Tuần lễ Múa Việt Nam 2023, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao.
Ở hạng mục Liên hoan tài năng biểu diễn múa có sự phong phú, đa dạng về thể loại, màu sắc, có sự đầu tư về trang phục, âm nhạc, cấu trúc bài thi và đã thu hút được nhiều thí sinh ở các tỉnh, thành hưởng ứng, tham gia. Tiêu biểu là nhóm thí sinh ở bảng thiếu niên nhi đồng khiến Hội đồng nghệ thuật khá bất ngờ trước kĩ năng biểu diễn khá thuần thục, thông minh của các em.
Kết quả này cho thấy nghệ thuật múa đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, đã có sự lan tỏa và có ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một vài tiết mục biên chưa khéo léo về việc xử lý ngôn ngữ, đội hình, âm nhạc cắt nối không có tính logic, động tác đưa vào có phần gượng ép, không phù hợp với nội dung và lứa tuổi. Một vài tác phẩm múa dân gian dân tộc chưa thể hiện rõ nét màu sắc dân tộc, phần kết cấu biên bài còn sơ sài chưa rõ ý và có phần lạm dụng kỹ thuật, kỹ xảo của các loại hình khác vào múa dân gian dân tộc.
Với khu vực phía Nam, phải nhắc đến 2 tác phẩm đó là: “Thổi hồn nhịp trống Ghi Năng” (Ninh Thuận) và “Khía Súa” (Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM). Còn khu vực phía Bắc là: “Giã vải” của Lào Cai, “Tắm lửa” (Trường Nghệ thuật Việt Bắc - Thái Nguyên) và tác phẩm “Tự tại” (Học viện Múa Việt Nam)...
Tuy nhiên, NSND Hà Thế Dũng bày tỏ sự trăn trở, bởi vẫn còn một vài tiết mục biên đạo chưa khéo léo về việc xử lý ngôn ngữ, đội hình, âm nhạc cắt nối không có tính logic, động tác đưa vào có phần gượng ép, không phù hợp với nội dung và lứa tuổi. Một vài tác phẩm múa dân gian dân tộc chưa thể hiện rõ nét màu sắc dân tộc, phần kết cấu biên bài còn sơ sài chưa rõ ý và có phần lạm dụng kỹ thuật, kỹ xảo của các loại hình khác vào múa dân gian dân tộc. Nhiều biên đạo còn đang bị sa vào mục đích bộc lộ tài năng, kỹ thuật diễn viên mà thiếu đi chiều sâu và tư duy nghệ thuật biên đạo trong phần biểu hiện nội dung, ý nghĩa nghệ thuật bao quát của tác phẩm. Một số tác phẩm đã không bám vào tiêu chí cuộc thi, xây dựng tác phẩm có nội dung không rõ ràng, kết cấu lỏng lẻo, sơ sài…
Điều khiến giới trong nghề băn khoăn là số lượng tác giả dự thi phần sáng tạo tác phẩm múa dân gian dân tộc ở cả hai miền Nam, Bắc chỉ có 28 tác giả - một con số khiêm tốn so với 90 tiết mục, tác phẩm của các thí sinh, nhóm thí sinh tham dự liên hoan. Sự chênh lệch này khiến những người quan tâm đến nghệ thuật múa không khỏi băn khoăn.