Ma trận thuốc online bủa vây người bệnh
Bất chấp những khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, không ít người dân vẫn tìm đến những bài thuốc “truyền miệng”, những “thầy lang” không bằng cấp hay những loại thuốc được quảng cáo trên mạng không rõ nguồn gốc.
Bát nháo “chợ thuốc mạng”
Đăng bài nhờ tư vấn địa chỉ khám bệnh uy tín do xuất hiện tình trạng nổi hạch dưới cằm tại một nhóm mang tên “Chia sẻ kinh nghiệm khám chữa bệnh” trên Facebook, chỉ sau vài giờ, chị Nguyễn T. H. (Hà Nội) đã nhận được hàng chục bình luận hỗ trợ. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết bình luận này đều không mang nội dung trả lời câu hỏi của chị.
“Tình trạng của bạn cần thanh lọc hệ bạch huyết, nếu cần thì nhắn tin riêng mình sẽ hướng dẫn” – một bình luận mang tính điển hình. Người này thì tư vấn “nguyên nhân là do viêm hạch bạch huyết”, người khác thì cho rằng: “viêm lợi nên sưng hạch”. Tuy nhiên, qua xác minh của phóng viên, không có bất cứ chủ nhân nào của những bình luận nói trên có chuyên môn về y tế.
Chị H. kể: “Không chỉ những bình luận trên nhóm, sau khi đăng bài, tôi cũng nhận được hàng loạt tin nhắn mời chào mua thuốc, liệu trình thải độc, thanh lọc cơ thể hay mua thuốc đông y… Mục đích ban đầu của tôi chỉ là hỏi địa chỉ bệnh viện để có thể thăm khám đúng chuyên khoa, gặp được chuyên gia có trình độ nhưng sau khi đăng bài, tôi càng cảm thấy hoang mang hơn”.
Thực tế, tình trạng như bệnh nhân nói trên không hề hiếm, với sự tiện lợi của điện thoại thông minh và các mạng xã hội, người tiêu dùng hiện nay có thói quen mua bất cứ mặt hàng gì ở trên mạng. Lợi dụng điều này, các “quầy thuốc” online, các bác sĩ “online” nở rộ, bán đủ thứ thuốc điều trị. Nhiều người vì tin những lời quảng cáo hoa mỹ và sự thuận tiện đã rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, thậm chí trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Chớ vội tin “thần y” online
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, mới đây đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ (52 tuổi), được phát hiện có khối u tại vú phải, được chỉ định phẫu thuật cách đây 1 năm, nhưng bệnh nhân không nhập viện điều trị, mà nghe lời “thần y” trên mạng, uống thuốc nam và đắp lá.
Đến nay, không những bệnh không khỏi mà khối u tăng kích thước, hoại tử, bệnh đã tiến triển giai đoạn 3C, hạch hố nách phải gồm nhiều hạch dính thành chùm. Bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt, phải truyền máu và kết hợp xạ trị, hóa chất điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng mới có thể phẫu thuật.
TS.BS Vũ Kiên - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, trên thực tế khá nhiều những trường hợp dù đã phát hiện ra bệnh nhưng lại bỏ lỡ cơ hội điều trị, rút ngắn thời gian sống. Hơn nữa, việc tin tưởng vào các phương pháp chữa bệnh chưa được khoa học chứng minh không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền bạc mà còn có thể gây hại đến sức khỏe, làm bệnh tình thêm nguy hiểm và tiến triển xấu đi.
Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, một người bệnh 25 tuổi, đã uống thuốc “gia truyền” 20 ngày mà theo quảng cáo là chữa vô sinh. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân mệt mỏi, men gan tăng gấp 20 lần so với bình thường, trong khi bình thường men gan chỉ tăng 2-3 lần đã là nguy hiểm. Bệnh nhân đến bệnh sớm nên chưa tổn thương nặng tới mức vàng da, vàng mắt. Qua xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có tình trạng men gan tăng cao do gan bị nhiễm độc thuốc nam.
Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cũng tiếp nhận bệnh nhân nam 56 tuổi, mắc tiểu đường lâu năm, đồng thời mắc viêm gan B, ung thư gan, sử dụng thuốc điều trị tiểu đường. Bệnh nhân này nghe theo “thần y” trên mạng nên đã bỏ điều trị, chuyển sang uống thuốc nam (4 viên/ngày); gói thuốc không rõ thành phần, bao bì, nơi sản xuất, cũng không có chứng nhận cấp phép, nhưng quảng cáo có công dụng điều trị tiểu đường và suy thận. Vài ngày đầu, chỉ số đường huyết của bệnh nhân có giảm, nhưng càng ngày càng mệt mỏi, ăn uống kém, cuối tháng bệnh nhân vào viện trong tình trạng huyết áp tụt, ý thức chậm, thở nhanh, đau bụng... Các chỉ số xét nghiệm đều rất kém, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim.
Không chỉ đe dọa tính mạng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong do dùng thuốc mua qua mạng. Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận không ít trường hợp biến chứng nặng, thậm chí tử vong do uống tiểu đường hoàn.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Việc mua thuốc trên mạng rất dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có nhân viên y tế chịu trách nhiệm tư vấn và theo dõi. Nguồn gốc và hiệu quả của các thuốc này không rõ ràng và chưa được thông qua bất kỳ sự kiểm định nào. Trong khi đó, thói quen “tự làm bác sĩ” cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, thậm chí, chính vì thói quen này mà một số người đã vô tình bỏ qua “thời gian vàng” để điều trị bệnh.
“Cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc (không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế). Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả các mẫu vật còn lại cùng các thông tin liên quan để có thể chuyển cho các cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm để xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc tiếp tục xảy ra với người khác” – TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo.