Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua 'khe cửa hẹp'
Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định), hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài và cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối. Nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.
“Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua “khe cửa hẹp” để trúng thầu với giá rẻ. Có những hãng sẵn sàng in sửa lại Catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu”, ông Hiếu nói và cho rằng, cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.
Cũng liên quan đến lĩnh vực y tế, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế tăng nhanh. Bối cảnh tương lai cho thấy vẫn sẽ có sự thiếu hụt nhân lực y tế, con người là yếu tố cốt lõi của sự phát triển, các trường đào tạo y tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế. Bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều hạn chế và thách thức với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện nay.
Cụ thể, số sinh viên quá đông, chi phí đào tạo thấp, cơ hội thực hành hạn chế, chương trình, phương pháp đào tạo chưa hiện đại, hệ thống kiểm định chất lượng chưa hình thành, đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên.
Từ đó bà Dung đề nghị, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, kiên quyết ngừng tuyển sinh với các trường không đủ điều kiện, quy trịnh các trường đào tạo khối ngành sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn kiểm định chậm nhất vào năm 2026, đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Bên cạnh đó cần quy định các điều kiện chuyên môn đặc thù của khối ngành sức khỏe trong tổ chức đào tạo, đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong suốt quá trình, từ khâu đầu vào đến quá trình đào tạo, đến khâu đầu ra. Xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế, đảm bảo chuẩn đầu ra trong giáo dục nhân lực y tế, từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo trong các trường đào tạo y tế.
Trước đó, liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, trong phiên thảo luận chiều qua (31/10), ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đồng thời cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế. Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước. Do đó, nhân dân cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này.