Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Ngoại ngữ là môn bắt buộc liệu có công bằng?

Nguyễn Hoài 01/11/2023 14:24

Mong muốn giảm môn thi bắt buộc, giảm áp lực thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của đa số học sinh và phụ huynh nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.

Phương án 3+2 không phù hợp?

Thông tin về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, kỳ thi sẽ tổ chức thi theo môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ; trong đó một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn.

Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình mới.

Như đã thông tin ở bài viết trước, trong quá trình Bộ GDĐT tiến hành khảo sát về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều ý kiến từ phía học sinh, phụ huynh và giáo viên đề xuất giảm môn thi bắt buộc để giảm áp lực thi cử cho người học.

Bộ GDĐT đang thực hiện lấy ý kiến khảo sát phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, Bộ tiếp tục xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo ba phương án.

Phương án 4+2 là thí sinh thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn.

Phương án 3+2 là thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn.

Phương án 2+2 gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn.

Đánh giá về phương án thi tốt nghiệp THPT hiện nay với 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên môn Toán của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nguyên Trưởng khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, phương án thi tốt nghiệp hiện nay không phù hợp và cần phải thay đổi.

Theo GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Ngoại ngữ là một công cụ và hiện nay hầu hết học sinh có cơ hội học từ bậc phổ thông tới đại học, khi đi làm… Ngoại ngữ cũng có thể được đánh giá ở nhiều thời điểm, mục đích khác nhau.

Đặc biệt, điều kiện về dạy và học Ngoại ngữ ở nước ta, nhất là các vùng sâu, vùng xa đang gặp khó cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và điều kiện dạy học. Thế nên, việc Ngoại ngữ là môn bắt buộc sẽ không công bằng giữa các học sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi và vùng sâu, vùng xa.

“Tôi băn khoăn nhất về tính công bằng giữa các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Đây là lý do mà từ lâu tôi đã không ủng hộ Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc. Việc học ngoại ngữ hiện nay đã trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh chứ không phải vì thi tốt nghiệp các em mới học”, GS.TS Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.

Thay đổi thế nào?

Tới thời điểm này, phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang nhận được quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, nhất là những gia đình có con đang học bậc THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ mong muốn Bộ GDĐT sớm chốt phương án thi để học sinh yên tâm ôn luyện. Bên cạnh đó, cũng có luồng dư luận đặt vấn đề rằng có cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa hay không khi tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ngày càng cao?

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải thích là có thể bỏ được bởi muốn bỏ kỳ thi này thì cần phải sửa Luật Giáo dục, sửa yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội và nhiều vấn đề liên quan khác nữa.

Nhiều chuyên gia ủng hộ mong muốn của học sinh và phụ huynh là giảm môn thi bắt buộc, giảm áp lực thi cử .

Về Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống ủng hộ phương án thi 2+2. Bởi phương án này phù hợp với tất cả các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GDĐT nêu lên, nhất là đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội: “Gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh”.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cũng đồng quan điểm nêu trên. Với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, phương án này tôn trọng quyền được lựa chọn môn học theo sở thích, năng lực của mỗi học sinh, góp phần thực thi việc giáo dục trung học phổ thông là giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Mặt khác, phương án này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Nghiên cứu phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT của nhiều nước trên thế giới, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho biết, nhiều nước, trong đó đa số các nước Đông Nam Á tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông với hai môn Toán và Ngữ văn. Như vậy đường lối này hợp lý với ngành giáo dục nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, không chỉ dừng ở việc thay đổi số môn thi, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần 2 thay đổi lớn. Một là thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết 144/NQ-CP của Chính phủ là yêu cầu Bộ GDĐT sớm nghiên cứu, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.

Hai là đáp ứng đúng mục tiêu tổng thể mà Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra, đó là làm sao phát triển phẩm chất và năng lực người học.

TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Đổi mới phương thức thi theo hướng giảm áp lực và đỡ tốn kém cho xã hội

Thực tế, tại các vùng miền hiện nay đang có sự chưa đồng đều về học lực môn Tiếng Anh. Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm thi môn này thể hiện rõ sự chênh lệch giữa học sinh vùng đô thị và học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Thế nên, trước mắt, tôi đồng tình với phương án 2+2 để tạo sự công bằng cho các thí sinh. Còn về lâu dài, khi kết quả học ngoại ngữ của học sinh có sự đồng đều giữa các vùng miền thì kỳ thi nên tổ chức theo phương án 3+2.

Bộ GDĐT nên bám theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hàng Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 29 đặt ra là đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Nguyễn Hoài