[Ảnh] Mùa gặt – Mùa đoàn kết ở thung lũng Đại Dực

Nguyễn Quý 02/11/2023 10:42

Khi Lễ hội Mùa vàng miền Soóng Cọ vừa kết thúc (29/10), cũng là lúc người Sán Chỉ ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) tỏa đi gặt lúa. Từng tốp khoảng 20 người cười nói rộn vang trên những thửa ruộng bậc thang. Người Sán Chỉ ở đây giúp nhau đi gặt mà không cần chủ nhà phải cất lời nhờ.

Thung lũng Đại Dực được bao quanh bởi núi, đồi, khe, suối. Cao nhất là đỉnh Thông Châu (nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển), như vị già làng luôn chở che, bao bọc những người con dân tộc Sán Chỉ. Thác Nặm Văm cao hơn 30m, thác Cô Bảy cao trên 40m, thác Khe Lục Mỷ cao hơn 50m, hay thác Á Chu Lan cao tới hơn 60m tỏa đi các khe suối, như dòng sữa nuôi dưỡng mùa màng của người dân nơi đây luôn tốt tươi. Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho người dân canh tác.

Cuối tháng 10, những thửa ruộng bậc thang đổ màu vàng rực. Hạt lúa bao thai cũng đã căng đầy. Người Sán Chỉ ở Đại Dực bắt đầu tỏa ra những cánh đồng gặt lúa.

Những thửa ruộng bậc thang đổ màu vàng rực từ triền thung xuống chân đồi.
Lúa cấy chen đá mồ côi.
Từng tốp khoảng 20 người đến tập trung gặt ở 1 thửa ruộng.
Việc của phụ nữ là gặt hái.
Việc của đàn ông là gánh lúa mang về.
Người Sán Chỉ ở Đại Dực có tập tục từ nhiều đời nay, là cứ đến mùa gặt thì tự các hộ trong làng xóm sắp xếp lịch gặt. Cao điểm nhất cả thôn cũng chỉ có 7 hộ gặt trong cùng một ngày. Nhà có 4 lao động thì chia ra tới gặt giúp cho 4 hộ, công việc gặt hái xong xuôi mới về, không cần chủ hộ phải cất lời nhờ vả.
Người Đại Dực chỉ cấy giống lúa bao thai, hạt cơm khô, rời nhưng có vị ngọt hậu.
Ở Đại Dực chưa có hộ nào bỏ ruộng, không có nhà nào phải đi mua gạo. Lương thực đủ cho người dân ăn và chăn nuôi quanh năm.
Công việc xong xuôi, chủ hộ làm cơm để chiêu đãi người dân làng xóm đến giúp gia đình gặt lúa.

Nguyễn Quý