Tín hiệu tích cực sản xuất công nghiệp của TPHCM

S.Tuyến 02/11/2023 07:17

Ngày 1/11, thông tin từ Sở Công thương TPHCM cho biết, sản xuất công nghiệp TPHCM có nhiều tín hiệu tích cực; trong đó, chỉ số tiêu thụ ở một số nhóm ngành và sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng tăng.

Cụ thể, báo cáo của Sở Công thương TPHCM cho thấy, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm bao bì đóng gói bằng plastic tăng 36,1%; phân khoáng hoặc phân hóa học tăng 26,2%; sữa/kem đặc có/không có đường tăng 12,7%; tivi tăng 10,8%... Riêng trong tháng 10/2023, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại TPHCM tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng kỳ, cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp thành phố trong những tháng cuối năm 2023.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 10 tháng năm 2023 tại TPHCM tăng 6,3% so với cùng kỳ. Còn đối với ngành công nghiệp cấp 2 thì có 22/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ; trong đó, một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp ở mức tăng khá như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế...

Trong tháng 10, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn TPHCM cũng tăng 0,5% so với tháng trước và giảm 3,2% so với cùng kỳ; trong đó, một số ngành có chỉ số lao động tăng có thể kể đến là sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất xe có động cơ; công nghiệp chế biến, chế tạo khác...

Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp TPHCM vẫn đang phải đối mặt với những thách thức về chi phí sản xuất có xu hướng gia tăng. Chi phí nhân công, thuê mặt bằng; tiền thuê đất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp... đang là vấn đề đòi hỏi sở, ngành thành phố tìm giải pháp tháo gỡ cho DN.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, đồng hành cùng cộng đồng DN sản xuất công nghiệp thì sở, ngành TPHCM nên đẩy mạnh định hướng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất năng lượng xanh... Đồng thời tiếp tục tăng cường giải pháp cơ cấu khu chế xuất - khu công nghiệp đang hoạt động và sắp đưa vào hoạt động trên địa bàn theo phương thức phân bổ đơn ngành và đa ngành, đảm bảo hình thành chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp.

Trong khi đó, theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với những chính sách mới liên quan đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, ngành sản xuất công nghiệp trong thời gian tới sẽ đối diện với nhiều thách thức và cơ hội. Do đó, cộng đồng DN sản xuất công nghiệp cần có những bước chuẩn bị cho việc đón đầu xu hướng và nắm bắt kịp thời cơ hội, tiến dần đến sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh và đáp ứng được yêu cầu thị trường toàn cầu.

Điển hình ở ngành nhựa, TPHCM và tỉnh, thành lân cận chiếm tỷ trọng 80% tổng sản lượng nhựa trên cả nước, nên quyết định sự phát triển hay tụt hậu của cả ngành Nhựa Việt Nam. Đồng thời, sự lớn mạnh của nhiều ngành sản xuất công nghiệp; trong đó, có ngành nhựa có tác động tích cực đến nền kinh tế của khu vực phía Nam và đất nước.

S.Tuyến