Thí điểm công chức làm việc tại nhà: Thận trọng, bảo đảm công bằng

LÊ ANH 02/11/2023 07:17

Thí điểm cho phép một số vị trí, bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà là một trong những cải cách hành chính của TPHCM.

Người dân đến thực hiện hồ sơ, thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Thí điểm ở “vị trí phù hợp”

Ngay sau khi UBND TPHCM chủ trương giao Viện Nghiên cứu phát triển thành phố chủ trì nghiên cứu “Dự thảo đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030”, các sở, ngành, địa phương TPHCM cũng tham gia vào quá trình tham mưu, đánh giá một số vị trí, bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có thể đăng ký làm việc tại nhà với tỷ lệ phù hợp.

Ông Nguyễn Sĩ Long - Phó Phòng công chức, viên chức Sở Nội vụ TPHCM cho rằng, việc nghiên cứu cho một số vị trí không tiếp xúc công dân làm việc tại nhà sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc này cũng phù hợp và xuất phát từ điều kiện thực tiễn của TPHCM trong nhiều năm qua.

Theo ông Long, thực tiễn trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 thì các bộ phận, vị trí đều đã thích ứng nhanh với phương pháp làm việc trực tuyến. Một số vị trí CBCCVC không cần có mặt tại cơ quan vẫn có thể nhận hồ sơ và xử lý văn bản trên môi trường trực tuyến và chuyển đổi số. Xuất phát từ thực tiễn này, TPHCM quyết định nghiên cứu thí điểm cho phép một số vị trí, bộ phận CBCCVC có thể đăng ký làm việc tại nhà với tỷ lệ phù hợp. Đây là các vị trí mà CBCCVC đang làm việc không thường xuyên tiếp xúc công dân, không thực hiện thủ tục hành chính. Do đó, khi làm việc tại nhà cũng sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chính quyền thành phố đang đẩy mạnh hiện đại hóa nền công vụ và dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Việc thí điểm cũng là tiền đề để thành phố đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, từ đó đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xử lý, giải quyết thủ tục hành chính.

Trong quá trình dự thảo đề án, ông Long cho biết, thành phố sẽ lựa chọn một số cơ quan, đơn vị tham gia để thí điểm, cũng như lựa chọn một số tổ chức, đơn vị thành phần và một số vị trí việc làm phù hợp nhất để mở rộng thí điểm. Trên cơ sở đó, thành phố cũng sẽ có sơ kết, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng kết quả thực hiện và những tác dụng, hiệu quả mang lại đối với nền công vụ. Trước mắt thành phố chỉ thực hiện thí điểm đối với các vị trí không liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Cấp thiết nhưng phải kỹ lưỡng

Việc nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng đề án thí điểm để đảm bảo không tạo ra “kẽ hở”, nảy sinh tiêu cực, tham nhũng “vặt” trong quá trình thực tiễn thí điểm mở rộng, đã được nhiều ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu góp ý, hiến kế với các cơ quan được giao nghiên cứu, tham mưu đề án.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, vừa qua kỳ họp HĐND thành phố đã giám sát tập trung quyết liệt vào công tác cải cách hành chính, trong đó đánh giá kết quả này chưa như mong đợi. Bởi vì mỗi năm thành phố giải quyết hơn 20 triệu hồ sơ, trong đó còn tới hơn 20.000 hồ sơ trễ hẹn, tồn đọng trung bình mỗi năm. Có những địa phương, theo như kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu ra, như các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 6 và quận Tân Phú còn tồn đọng tới hàng trăm hồ sơ cấp sổ đỏ cho người dân là một thực tế khiến người dân, doanh nghiệp rất bức xúc.

“Vậy thì việc xây dựng thí điểm này không xung đột với thực tế bộ máy công vụ chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, khiến khối lượng hồ sơ còn tồn đọng nhiều. Tuy nhiên, việc thí điểm cho phép một số vị trí làm việc ở nhà cũng phải tính toán để đảm bảo giải quyết trực tiếp vào thực trạng hồ sơ tồn đọng hoặc trễ hẹn còn nhiều như hiện nay. Đó là vấn đề lớn nhất mà người dân, doanh nghiệp mong đợi từ hiệu quả cải cách hành chính cũng như đổi mới nền công vụ của thành phố” - ông Ninh bày tỏ.

Trong khi đó, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM cho rằng, ngay cả ở các vị trí, bộ phận CBCCVC không thường xuyên tiếp xúc công dân được cho phép thí điểm làm việc ở nhà cũng cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. “Chúng ta đều biết rằng ở các cơ quan, đơn vị hiện nay, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở công sở, có camera giám sát về thời gian, thái độ phục vụ. Người dân cũng được tham gia giám sát và đánh giá thái độ hài lòng với cải cách hành chính. Tuy nhiên, khi làm việc ở nhà thì khó giám sát được triệt để, do đó khi cho phép thí điểm thì cũng phải tính toán được việc giám sát cụ thể như thế nào” - bà Sâm nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Sĩ Long - Phó Phòng công chức, viên chức của Sở Nội vụ TPHCM cho biết, việc giám sát quá trình thí điểm được giao cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị được chọn thí điểm. Trong đó, người đứng đầu có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho cán bộ công chức, viên chức làm việc tại nhà với khối lượng công việc tương đương như làm việc tại công sở. Các vị trí làm việc tại nhà cũng phải cam kết đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, khối lượng và chất lượng công việc được phân công. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải theo dõi chặt chẽ và có đánh giá cụ thể theo hiệu quả công việc. Việc đánh giá này sẽ căn cứ vào kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được định lượng cụ thể bằng các tiêu chí đã phân công, giao việc ngay từ đầu.

LÊ ANH