Trải nghiệm hay ép buộc tham quan?
Đã thành thông lệ ở các trường phổ thông tại Hà Nội, giữa học kỳ I, nhiều trường thông báo tới học sinh, phụ huynh về kế hoạch hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống.
Cần đảm bảo an toàn cho học sinh
Một số phụ huynh vừa chia sẻ về kế hoạch hoạt động trải nghiệm của học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 tại Trường THCS An Khánh (Hoài Đức -Hà Nội). Theo họ, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu tất cả học sinh phải đăng ký tham gia (chi phí hơn 300 ngàn đồng/ học sinh chưa kể tiền ăn). Giáo viên chủ nhiệm nói đây là yêu cầu của ban giám hiệu, lớp nào không vận động được 100% học sinh tham gia sẽ bị trừ điểm thi đua.
Năm học trước, việc một trường THCS tại TP HCM ép học sinh khối 6-7 đi tham quan trải nghiệm khiến nhiều phụ huynh bất bình, trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn.
Vận động học sinh tham gia học thêm, tham gia hoạt động trải nghiệm kiểu ép buộc… là mối băn khoăn của phụ huynh.
Đã có những vụ việc xảy ra ngoài ý muốn khi học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm. Năm học 2022- 2023, 50 học sinh Trường tiểu học Kim Giang (Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm sau chuyến dã ngoại. Một phụ huynh và học sinh lớp 6 trường tư thục ở Tây Mỗ (Hà Nội) gặp tai nạn, tử vong khi trải nghiệm bắt ngao tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dã ngoại là hoạt động rèn luyện kỹ năng, cung cấp tri thức, bài học thực tế cho học sinh, nhưng quan trọng nhất là vấn đề tổ chức và đảm bảo an toàn. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra từ những buổi dã ngoại, trải nghiệm ngoài nhà trường nên không chỉ nhà trường rút kinh nghiệm, cần có sự vào cuộc, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao từ cơ quan quản lý.
Xã hội hóa trên cơ sở đồng thuận
Hoạt động trải nghiệm có phải là một phần chương trình học, có phải đóng phí không? PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp trong Chương trình GDPT 2018 khẳng định đây là chương trình giáo dục bắt buộc nên không đòi hỏi việc đóng góp với những hình thức tổ chức trong khuôn viên nhà trường, theo thời khóa biểu.
Bà Thoa nói, theo thiết kế chương trình, những hoạt động trải nghiệm hoàn toàn có thể thực hiện tại trường. Ngoài ra, có thể tổ chức ngoài lớp học, ngoài trường, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi trường.
Tuy nhiên, hoạt động được tổ chức theo đơn vị lớp, trong khuôn viên lớp học được sử dụng nhiều nhất vì phù hợp với điều kiện của các trường.
Chương trình cũng yêu cầu học sinh tham gia một số hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội hoặc tham quan di tích, danh lam, thắng cảnh, hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp... Tuy nhiên, những chương trình chính thức phải được thực hiện trong khuôn khổ nhà trường, phần khác chỉ là bổ sung thêm. Nếu nhà trường, phụ huynh và học sinh muốn trải nghiệm trong thực tế bên ngoài nhà trường thì có thể xã hội hóa. Việc này chương trình không quy định.
Bà Thoa cho rằng xã hội hóa giáo dục là chủ trương ở bất cứ quốc gia nào. Có điều, xã hội hóa thế nào, tính minh bạch ra sao, có phù hợp với điều kiện nhà trường và phụ huynh không mới là điều quan trọng. Việc xã hội hóa có thể là đóng góp bằng công sức, ý kiến, tài chính... trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh.
Trước băn khoăn của phụ huynh về việc học sinh không tham gia đầy đủ các hoạt động tham quan, dã ngoại có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá không, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa giải thích: Giáo viên đánh giá học sinh dựa trên yêu cầu của chương trình. Chẳng hạn, học sinh phải giới thiệu được cảnh quan thiên nhiên, qua đó giáo dục tình yêu quê hương, đất nước. Những học sinh không đi trải nghiệm một cảnh quan nào đó do nhà trường tổ chức hoàn toàn có thể giới thiệu cảnh quan khác. Kỹ năng giới thiệu cảnh quan mới là điều quan trọng.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, không có quy định nào bắt buộc nhà trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, ngoại khóa để làm bài thu hoạch lấy điểm môn giáo dục địa phương, trải nghiệm - hướng nghiệp. Các nhà trường nên tách bạch chuyện đi dã ngoại và trải nghiệm để tránh những lùm xùm không đáng có.