Tăng lương giáo viên để nâng chất lượng giáo dục

Thu Hương 02/11/2023 07:02

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tính đến hết năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người, trong đó, công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%. Đây sẽ là đối tượng được cải cách tiền lương năm 2024.

Giáo viên sẽ được tăng thu nhập khi cải cách tiền lương. Ảnh minh họa.

Trả lương theo vị trí việc làm

Chính phủ đề xuất 6 nội dung cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Nếu chính sách này được thông qua, mức lương giáo viên ở một số bậc sẽ thay đổi. Cụ thể, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm 3 bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Như vậy, so với hiện nay, cơ cấu lương giáo viên khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.

Đồng thời, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo hệ số x mức lương cơ sở như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm, là con số cụ thể, đảm bảo không thấp hơn lương hiện tại.

Để bù trượt giá sau năm 2024, Chính phủ đề xuất tiếp tục điều chỉnh tăng lương cho đến khi mức lương thấp nhất của giáo viên bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I là 4.680.000 đồng/tháng. Hiện nay, với cách tính lương dựa vào hệ số và mức lương cơ sở, lương giáo viên thấp nhất là 3,348 triệu đồng/tháng (áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng IV).

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy, Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) nhận thấy, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều người phải nghỉ chuyển việc hoặc phải làm thêm, dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.

Đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng. Đồng thời phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao đời sống giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục

Dạy thêm, học thêm lâu nay là một vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục. Nhiều ý kiến nhìn nhận dù Bộ Giáo dục và Đào tạo và các sở địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng vấn nạn này, đặc biệt là ở các đô thị lớn, không có nhiều chuyển biến trong thời gian qua.

Một trong những lý do việc dạy thêm vẫn tồn tại, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (TPHCM) là vì vấn đề thu nhập của giáo viên.

Rõ ràng dạy thêm giúp tăng thu nhập cho giáo viên trong bối cảnh mức lương nhà giáo chưa đủ trang trải cuộc sống. Để giải quyết bài toán này, cần trả lời được câu hỏi làm thế nào nâng cao đời sống cho giáo viên, từ đó hạn chế mức thấp nhất chuyện học thêm, dạy thêm.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi mới thành lập trường, nhiều thầy cô không vào được trường công lập mới tìm đến trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, 2-3 năm sau có suất biên chế, họ rời đi. Với ông Hòa, việc này rất bình thường bởi các thầy cô có quyền mưu cầu sự ổn định. Hiện đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường khoảng 300 người, trong đó 200 người đã làm việc với thầy Hòa 10-25 năm. Với đồng lương đủ sống, các thầy cô không phải nghĩ đến chuyện dạy thêm.

Thu Hương