Gỡ điểm nghẽn để tăng trưởng tín dụng
Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Dự phiên thảo luận có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Hàng kém chất lượng vẫn vượt qua “khe cửa hẹp”
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định), hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối. Nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.
“Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng kém chất lượng vẫn vượt qua “khe cửa hẹp” để trúng thầu với giá rẻ. Có những hãng sẵn sàng in sửa lại mục lục để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu” - ông Hiếu nói và cho rằng, cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.
Giải trình về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế là một thách thức dai dẳng. Đây không phải là hiện tượng mới đã xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại như Anh, Pháp, Hoa Kỳ...
Theo bà Lan, tình trạng thiếu thuốc chủ yếu là các thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, thuốc kháng độc bạch hầu, vaccine khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, các thuốc, sinh phẩm chế biến từ huyết tương. Ngày 24/10/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã họp bàn và ra thông báo về vấn đề tăng cường các hành động nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc trầm trọng và tăng cường an ninh nguồn cung.
Vấn đề thiếu thuốc, theo bà Lan, do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc hiện nay được thực hiện ở cả 3 cấp. Tại Trung ương, đấu thầu tập trung chiếm khoảng từ 16,5-18 % số lượng thuốc toàn quốc. Cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như đã nêu trên còn các nguyên nhân chủ quan, như do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập.
“Việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện mua sắm chưa kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là có tâm lý e ngại sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị và địa phương” - Bộ trưởng Y tế nói và cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế, các bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại, vướng mắc liên quan tới cơ chế mua sắm đấu thầu, thuốc, vật tư y tế. Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc trong việc đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đến nay, các cơ sở y tế đã triển khai theo các quy định này.
Tín dụng tăng chậm
ĐB Trần Anh Tuấn (Đoàn TPHCM) bày tỏ lo ngại khi nền kinh tế còn nhiều thách thức trong thời gian tới như: Tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra, áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm.
Ông Tuấn cho rằng, với nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển chúng ta có dư địa trong bội chi. Trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được rất ít. Bên cạnh đó sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021-2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như: y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng, để tăng trần đầu tư công cho giai đoạn mới.
Để tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, theo ông Tuấn, chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đang phát huy hiệu quả, nhưng mới chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn. Do đó cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, vì những lĩnh vực ưu tiên này, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
Giải trình tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức. Điều này diễn ra khi kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, thách thức nhiều hơn, hết khó khăn này lại đến khó khăn khác. Trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như: kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Cũng như đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong mọi tình huống.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tín dụng vẫn tăng chậm, cập nhật đến 27/10/2023 thì tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề để phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.
“Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và tổ công tác cũng như Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã nhận diện được khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, đó là về pháp lý. Khi những yếu tố về pháp lý được tháo gỡ thì chắc chắn tín dụng cũng sẽ được cải thiện tăng theo quá trình này. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát để làm sao giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như hồ sơ vay vốn trong quá trình xem xét tín dụng” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra giải pháp.
Trăn trở thiếu giáo viên, lương giáo viên thấp
Đề cập về vấn đề lương của giáo viên (GV) và nhân viên trường học hiện nay, ĐB Hà Ánh Phượng (Đoàn Phú Thọ) cho biết, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc kiếm việc làm thêm. Vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Chưa kể, hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì. Từ đó, bà Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của GV ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
Giải trình về vấn đề thừa thiếu GV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước còn thiếu 127.583 GV, con số này gia tăng không ngừng vì số lượng học sinh đầu năm học vừa qua tăng lên rất nhiều.
“Chỉ riêng tỉnh Bình Dương đã tăng 35.000 học sinh. Như vậy, số học sinh, trẻ em đi học tăng lên rất lớn nên yêu cầu về GV cũng tăng. Bên cạnh đó, tiếp tục có tình trạng GV nghỉ việc, chuyển việc. Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 GV nghỉ việc, chuyển việc. Năm ngoái cùng với Bộ Nội vụ, chúng tôi xác định chỉ tiêu cho các tỉnh để tuyển GV. Nhưng theo thống kê của ngành Nội vụ, hiện, các tỉnh vẫn còn lại hơn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng” - ông Sơn dẫn chứng và cho biết, đến nay ngoài GV những môn học mới đang trong quá trình đào tạo, GV mầm non dù có nguồn tuyển nhưng không có người ứng tuyển, do lương thấp, áp lực lớn. Đây là vấn đề lớn cần phải đưa ra các giải pháp, một mặt vừa chuẩn bị nguồn tuyển nhưng cũng cần sớm có sự điều chỉnh về lương, chế độ chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi và các giải pháp đồng bộ khác.
“Trong 3 năm qua, các địa phương đã sắp xếp lại hệ thống các điểm trường và đã giảm được 3.033 điểm trường - đây là con số đáng kể để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ em tốt hơn nhưng cũng không thể sắp xếp lại mãi được. Ngành Nội vụ đã xác định trong năm 2023-2024 giao thêm trên 27.800 chỉ tiêu giáo viên cho các tỉnh. Đây cũng là một bước để có thể cải thiện được câu chuyện về giáo viên” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.